Ngày 15/6, tại New York (Mỹ), Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết các quốc gia phải loại bỏ dần than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác để ngăn chặn “thảm họa” khí hậu.
Việc đốt nhiên liệu hóa thạch như than gây ra biến đổi khí hậu
Thảm họa có nguy cơ đến gần
Ông Guterres cho biết việc hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C vẫn có thể thực hiện được nhưng đòi hỏi giảm 45% lượng khí thải carbon vào năm 2030. Tuy nhiên, các chính sách hiện tại sẽ dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ 2,8°C vào cuối thế kỷ này, điều này được gọi là “thảm họa”.
Ông kêu gọi hành động toàn cầu ngay lập tức hướng tới mức phát thải ròng bằng “0”, điều này phải bắt đầu từ trung tâm ô nhiễm của cuộc khủng hoảng khí hậu: ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.
Theo người đứng đầu Liên Hợp Quốc, các quốc gia phải dần dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Trước đây, ông đã đề xuất thành lập Hiệp ước đoàn kết khí hậu, theo đó các quốc gia giàu có sẽ hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi cắt giảm khí thải.
Một đề xuất khác là các chính phủ loại bỏ than vào năm 2040, chấm dứt tài trợ than quốc tế và tư nhân, đồng thời chuyển trợ cấp từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Ông Guterres cho rằng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và những người hỗ trợ nó có trách nhiệm đặc biệt, ngành này mang lại thu nhập kỷ lục 4 nghìn tỷ USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, với mỗi USD nó chi cho việc khoan và thăm dò dầu khí, chỉ có 4 xu được dùng để sản xuất năng lượng sạch và thu hồi carbon.
Dẫn đầu quá trình chuyển đổi
Ông Guterres nhấn mạnh rằng ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch nên sử dụng các nguồn lực lớn “để thúc đẩy chứ không phải cản trở” quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng tái tạo. Theo ông, ngành công nghiệp hiện nay thậm chí còn không đạt được các mục tiêu giảm phát thải thấp mà ngành đã đặt ra.
Quan chức Liên Hợp Quốc kêu gọi các công ty nhiên liệu hóa thạch đưa ra các kế hoạch chuyển đổi mới đáng tin cậy, toàn diện và chi tiết bao gồm giảm phát thải - từ sản xuất đến tinh chế, phân phối và sử dụng. Các kế hoạch cũng phải thiết lập các mục tiêu rõ ràng, ngắn hạn hướng tới quá trình chuyển đổi sang năng lượng “xanh”.
Đồng thời, các công ty nhiên liệu hóa thạch phải chấm dứt việc trao đổi ảnh hưởng và các mối đe dọa pháp.
“Các chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc nỗ lực thực hiện các kế hoạch trên, hỗ trợ bằng cách cung cấp sự đảm bảo rõ ràng. Hành động khí hậu tập thể không vi phạm chống độc quyền, nó duy trì niềm tin của công chúng”, ông Guterres khẳng định.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các tổ chức tài chính lập kế hoạch chi tiết và cho rằng họ phải khuyến khích chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Các kế hoạch nên bao gồm một chiến lược rõ ràng để dần dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi danh mục đầu tư của họ nhằm đảm bảo phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.
Ông Guterres cho biết: “Các tổ chức tài chính ở khắp mọi nơi phải chấm dứt cho vay, bảo lãnh phát hành và đầu tư vào than ở bất cứ đâu - bao gồm cơ sở hạ tầng than mới, nhà máy điện và mỏ. Các tổ chức này cũng phải cam kết chấm dứt tài trợ và đầu tư vào thăm dò các mỏ dầu khí mới và mở rộng trữ lượng dầu khí, thay vào đó phải đầu tư vào quá trình chuyển đổi công bằng trên toàn thế giới đang phát triển như hiện nay”.
Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa cho biết năng lương tái tạo đang phát triển nhanh chóng và dự kiến sẽ vượt qua đầu tư vào sản xuất dầu trong năm nay. Tuy vậy, sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa giảm đủ nhiều để đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải vào năm 2050.
Các nhà khoa học hiện nay đều cho rằng các quốc gia cần cắt giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính của nước mình để đạt được các mục tiêu về khí hậu đã cam kết, trong đó chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch được xem là hướng đi bền vững nhất.
Theo Tài nguyên & Môi trường