37 tỷ tấn là lượng CO2 phát thải toàn cầu năm 2022 - mức cao nhất kể từ năm 1900.
Phát biểu tại hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh" được tổ chức tại Hà Nội sáng 27-6, ông Morgan Donovan Carroll - Giám đốc ESG của VinFast khẳng định, Net Zero không phải cuộc chơi cho "người giàu", mà là trách nhiệm của mỗi người, mỗi cá nhân.
Theo ông Morgan Donovan Carroll, mỗi người trong công ty VinFast đều đang cố gắng vì một môi trường xanh hơn, không chỉ cho chúng ta mà cho cả thế hệ tương lai, cho gia đình và con cháu chúng ta.
Ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietjet chia sẻ tại tọa đàm. |
Cùng quan điểm, ông Tô Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Vietjet nhấn mạnh, hiện nay Net Zero đang là xu hướng, đặc biệt là với ngành hàng không - lĩnh vực có tính chất đa quốc gia, quốc tế hoá với những chuẩn mực bắt buộc phải tuân thủ.
Cho nên nếu chúng ta không đón đầu xu hướng sẽ gặp những khó khăn khi các quốc gia, khu vực khác đưa ra những quy định chặt chẽ hơn. Năm 2020, Tổ chức các hãng hàng không quốc tế đã cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050.
"Do đó tôi nghĩ Net Zero không phải là cuộc chơi mà là sứ mệnh của các doanh nghiệp hàng không như Vietjet. Chúng ta phải chủ động và tích cực thực hiện cam kết này", Thắng nhấn mạnh.
Cho quan điểm về Net Zero, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu & Phát triển (R&D) Vinamilk cho biết, không phân biệt người giàu, người nghèo, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên mọi thành phần.
"Tất cả đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Bữa cơm hàng ngày của mọi người đã bắt đầu đâu đó có sự hiện diện tiêu cực này rồi", ông Khánh nêu.
Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, chuyển đổi xanh và giảm phát thải nhằm thực hiện cam kết Net Zero là một chặng đường dài với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề nguồn lực.
Theo ước tính, Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỉ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng "0". Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực.
"Khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra", ông Phớc nhận định.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, Net Zero là vấn đề phức tạp giữa mục tiêu phát triển kinh tế và mục tiêu phát triển bền vững, nhất là với các quốc gia đang phát triển và đang chuyển đổi như Việt Nam.
"Mục tiêu Net Zero phải có sự thay đổi hoàn toàn về nhận thức, tư duy hoạch định chính sách, lượng hóa chuyển đổi theo đổi mới sáng tạo", bà Ngọc nêu rõ.
Bà Ngọc cho rằng một điểm nhấn nữa của tăng trưởng xanh là cân bằng và hiệu quả, theo đó chiến lược này nhằm thay đổi cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo bà Ngọc, quản lý nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giảm hiệu ứng nhà kính trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Theo Báo Pháp luật