Về tốc độ tăng trưởng GRDP
Ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của vùng ĐBSCL đạt 5,47%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước (3,72%), giảm 0,11% so với cùng kỳ. Trong tổng giá trị tăng thêm của vùng 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,08%; khu vực dịch vụ tăng 7,51%.
Tốc độ tăng GRDP của các tỉnh vùng ĐBSCL 6 tháng/2023 (%). Nguồn: Tổng cục thống kê.
Về tăng trưởng 6 tháng, Hậu Giang dẫn đầu cả nước và trong vùng ĐBSCL khi đạt 14,21%. Xếp thứ hai trong vùng là Cà Mau khi tăng trưởng 8,61%. Nổi bật, ĐBSCL là 1 trong 2 vùng kinh tế mà tất cả địa phương đều ghi nhận mức tăng trưởng dương, cùng với Tây Nguyên.
Doanh nghiệp
Trong vùng ĐBSCL, số doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2023 là 5.389 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 45.423 tỷ đồng, số lao động là 33.286 người. So với cùng kỳ, ĐBSCL giảm 13% về số lượng doanh nghiệp thành lập và giảm 50% về số vốn đăng ký. So với cả nước, vùng ĐBSCL xếp thứ 4/6 vùng kinh tế về số doanh nghiệp thành lập mới (chiếm khoảng 7%) và xếp thứ 5 về số vốn đăng ký (chiếm trên 6%).
Doanh nghiệp thành lập mới và tổng vốn đăng ký các tỉnh vùng ĐBSCL 6 tháng đầu năm 2023. Nguồn: Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh.
Dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong vùng là Long An với 864 doanh nghiệp, kế đến là Cần Thơ với 850 doanh nghiệp, Kiên Giang với 807 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính về số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp thì Long An là tỉnh dẫn đầu với 10.437 tỷ đồng, kế đến là Kiên Giang với 9.998 tỷ đồng, Cần Thơ với 6.162 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2023 vùng ĐBSCL ghi nhận 4.524 doanh nghiệp rời khỏi thị trường (bao gồm: Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, doanh nghiệp giải thể), chiếm 11% của cả nước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có 754 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Về thu hút FDI
Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 1.293 dự án FDI mới được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 6,49 tỷ USD, tăng 71,9% về số dự án và tăng 31,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Xét riêng vùng ĐBSCL, ghi nhận 48 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký trên 551 triệu USD, tăng 12% về số dự án và tăng 41% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Long An thu hút 42 dự án với tổng vốn trên 443 triệu USD. Kế đến, Tiền Giang thu hút 2 dự án với tổng vốn đăng ký là 1,2 triệu USD. Trong vùng, có 4 địa phương gồm Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng đều thu hút 1 dự án.
Lũy kế các dự án FDI còn hiệu lực đến tháng 6/2023 các tỉnh ĐBSCL. Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài.
Luỹ kế đến tháng 6/2023, toàn vùng ĐBSCL có 1.928 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 35 tỷ USD. Long An dẫn đầu trong vùng khi chiếm hơn 69% số dự án và 37% tổng vốn đăng ký. Tuy nhiên, khi xét xề quy mô đầu tư trên dự án thì Bạc Liêu dẫn đầu với quy mô trên 305 triệu USD/dự án.
Về kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu
Ghi nhận dấu ấn của cả nước khi cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,81 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,06 tỷ USD. Chi tiết hơn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 316,65 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 164,45 tỷ USD (giảm 12,1%); nhập khẩu ước đạt 152,2 tỷ USD (giảm 18,2%).
Kim ngạch xuất, nhập khẩu các tỉnh ĐBSCL 6 tháng đầu năm 2023.Nguồn: Tổng cục hải quan.
Xét riêng vùng ĐBSCL, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 11.502 triệu USD, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm 2022 (12.718 triệu USD). Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu đạt năm 2023 ước đạt 5.567 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước (6.626 triệu USD). Trong vùng ĐBSCL, 3 địa phương dẫn đầu ở cả mức kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp.
Về Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) các tỉnh vùng ĐBSCL 6 tháng/2023. Nguồn: Báo cáo kinh tế xã hội các tỉnh.
Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn khi đơn hàng giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Tính chung 6 tháng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cả nước tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng của cả nước (0,44%) là 3,07%.
Trong vùng ĐBSCL, Kiên Giang dẫn đầu với giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp là 10,24% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,03%. Không khả quan, Vĩnh Long ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp đạt -13,85% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 15,2%.
Phòng Tư vấn