Trung Quốc hiện là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, với lượng nhập khẩu hằng năm vượt qua 1,4 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, nước này đã thử nghiệm trồng sầu riêng từ những năm 1950, nhưng đến năm 2019, việc trồng sầu riêng trên quy mô lớn mới thực sự được triển khai tại đảo Hải Nam.
Sầu riêng VN có lợi thế thu hoạch quanh năm
Theo các thông tin đã được công bố, hiện tại, diện tích trồng sầu riêng ở Hải Nam đạt gần 2.700 ha, chủ yếu tập trung ở các khu vực phía nam như Tam Á, Bảo Bình, Lạc Đông và Lăng Thủy. Trong năm nay, ước tính có khoảng 270 ha cây sầu riêng sẽ cho thu hoạch, với sản lượng dự kiến từ 150 - 200 tấn. Mùa thu hoạch sầu riêng tại Hải Nam kéo dài từ tháng 6 - 8, với đỉnh điểm là vào tháng 7 tới.
Việc Trung Quốc tự trồng sầu riêng để đáp ứng nhu cầu nội địa đang làm dấy lên một số ý kiến cho rằng các nước xuất khẩu loại trái cây tỉ USD này có thể bị ảnh hưởng và sầu riêng có thể như thanh long trước đây, sụt giảm sản lượng nghiêm trọng khi Trung Quốc tự chủ được vào những năm trước. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, phân tích: "Trái thanh long nếu so với sầu riêng thì khác biệt rất xa. Thanh long là loại cây ăn quả ngắn ngày, dễ thích nghi nhiều loại thổ nhưỡng, khí hậu. Nhưng Trung Quốc sản xuất được thanh long đại trà với diện tích lớn cũng phải mất đến 20 năm nghiên cứu, trồng thử nghiệm. Trong khi đó cây sầu riêng là loại cây nhiệt đới, khí hậu Trung Quốc hoàn toàn không phù hợp. Hiện nay Trung Quốc mới chỉ trồng vài ngàn mẫu (1 mẫu Trung Quốc bằng 666,67 m2 - PV) ở đảo Hải Nam, đây là nơi thường xuyên xảy ra mưa bão, thời tiết không thuận lợi để trồng sầu riêng. Nếu so sánh với cây thanh long thì sầu riêng khó trồng hơn nhiều, không dễ để sản xuất lớn tại Trung Quốc".
Ông Nguyễn Văn Mười, đại diện Hội Làm vườn VN (khu vực phía nam), cũng nhận định: "Mặc dù diện tích trồng và năng suất sầu riêng tại Trung Quốc đang tăng, nhưng vẫn chưa đủ để ảnh hưởng đáng kể đến việc xuất khẩu sầu riêng của các nước khác, bao gồm cả VN. Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc mỗi năm xấp xỉ 1,5 triệu tấn, cả Thái Lan, VN, Malaysia… cũng không đủ đáp ứng. Vì vậy vụ thu hoạch năm nay của Trung Quốc dự kiến khoảng 250 tấn không thấm tháp vào đâu, đó là chưa kể đến chất lượng sầu riêng có đạt chuẩn hay không".
Theo ông Nguyễn Văn Mười, trong vụ sầu riêng đầu tiên của Trung Quốc đã thu hoạch vào năm 2023, sản lượng và chất lượng đều không như dự tính. Năm nay sản lượng thu hoạch dự kiến thu được 250 tấn, Hải Nam đang lên kế hoạch tổ chức diễn đàn, hội thảo về sản phẩm sầu riêng để quảng bá. Tuy nhiên với sản lượng hạn chế thì khó có thể gây ảnh hưởng đến các nước sản xuất sầu riêng truyền thống như Thái Lan hay VN.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, thị trường tiêu thụ sầu riêng trong nước lẫn xuất khẩu hiện nay của VN đang hết sức sôi động, giá sầu riêng ổn định tại các khu vực Tây Nam bộ, Đông Nam bộ và Tây nguyên. Tại khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, giá sầu Thái lựa đẹp và sầu Thái mua xô đang dao động lần lượt trong khoảng 84.000 - 87.000 đồng/kg và 64.000 - 67.000 đồng/kg. Song song đó, giá sầu Ri6 loại đẹp cũng ổn định trong khoảng 60.000 - 62.000 đồng/kg; sầu Ri6 mua xô đang có giá khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán lẻ sầu riêng trên thị trường nội địa hơn 100.000 đồng/kg. Đối với nhiều gia đình, sầu riêng vẫn là loại trái cây xa xỉ, nhiều hộ có thu nhập thấp chưa đủ khả năng để ăn sầu riêng thoải mái nên dư địa thị trường vẫn còn rất rộng lớn.
Nguồn: https://thanhnien.vn/