Hội nghị phổ biến cập nhật thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế tại Cà Mau

Tin doanh nghiệp | 31/10/2023 16:34 GMT+7 | Tuyết Lan

Ngày 24/10/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp Sở Công Thương tỉnh Cà Mau - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị phổ biến cập nhật thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Dương Huỳnh Khải đã đến dự.

https://www.camau.gov.vn/wps/wcm/connect/97fcb619-db37-4951-b293-55bc9778294c/1/DSC05116.JPG?MOD=AJPERES&CVID=

Đại biểu dự hội nghị.

Hội nghị triển khai phổ biến, cập nhật tình hình hội nhập kinh tế quốc tế và cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong bối cảnh mới; cơ hội, tiềm năng một số thị trường mới và các ưu đãi thuế quan cần lưu ý và định hướng xuất khẩu bền vững, nhất là đối với mặt hàng tôm. Trao đổi những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực thi FTA thời gian qua. Đồng thời, đề ra các giải pháp, khuyến nghị để tận dụng cơ hội thực thi có hiệu quả các FTA.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nguyễn Chí Thiện thông tin: Trong xu thế phát triển của thời hội nhập, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam xuất hiện nhiều xu hướng mới và các yêu cầu ngày càng cao hơn như quy định về chất lượng, yêu cầu liên quan tới bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tiêu chuẩn sản xuất xanh, chuỗi cung ứng sạch và bền vững... Do đó, để xuất khẩu hiệu quả và tăng trưởng bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp phải dần chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường. Thông qua hội nghị lần này nhằm cung cấp đầy đủ hơn các thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế đến lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm cụ thể hóa, triển khai các chủ trương, chính sách về hội nhập kinh tế phù hợp với điều kiện của tỉnh; phát huy được tiềm năng thế mạnh của tỉnh, tận dụng cơ hội phát huy có hiệu quả các FTA trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bà Huỳnh Thiên Trang - Phó Giám đốc phát biểu

Theo Bà Huỳnh Thiên Trang - Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc. Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 15 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 1 hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel được chính thức ký kết vào ngày 25/7/2023 và dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2024), 3 hiệp định đang đàm phán.

Việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng.

Trong năm 2022, những diễn biến do lạm phát, suy giảm tăng trưởng và đi kèm xung đột vũ trang một số quốc gia làm ảnh hưởng đến nguồn năng lượng, thị trường lớn Trung Quốc thắt chặt kiểm soát dịch bệnh thời gian dài... đã làm nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tụt giảm, khiến đơn đặt hàng xuất khẩu giảm mạnh, nhất là từ quý 3/2022.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 70,9 tỷ USD, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: thị trường EU giảm 8,2%; thị trường ASEAN giảm 5,5%, Hàn Quốc giảm 5,1%, Nhật Bản giảm 3%, duy nhất có thị trường Trung Quốc tăng trưởng 2,1%, đạt 42,2 tỷ USD.

Ở khu vực ĐBSCL, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2023 đạt 17,8 tỷ USD, đứng đầu là các tỉnh Long An (5 tỷ USD), Tiền Giang (3,9 tỷ USD), Đồng Tháp (1 tỷ USD). Tỉnh Cà Mau theo báo cáo của Sở Công Thương đạt 900 triệu USD.

Phòng Pháp chế