ĐBSCL là khu vực luôn được doanh nghiệp đánh giá tốt trong điều hành kinh tế của Việt Nam thông qua kết quả đánh giá Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Nhiều năm qua, PCI được chính quyền địa phương các tỉnh, thành ĐBSCL sử dụng qua hơn 14 năm như công cụ đo lường cảm nhận môi trường kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và kinh tế xã hội.
Theo thông lệ hàng năm, sau khi công bố kết quả PCI 2019, VCCI tại Cần Thơ phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo Môi trường đầu tư kinh doanh khu vực ĐBSCL qua kết quả PCI năm 2019 vào ngày 15/6/2020 tại Vĩnh Long. Đây là hội thảo quy mô cấp vùng nhằm đánh giá kết quả PCI mà các tỉnh, thành ĐBSCL đạt được trong năm 2019, đồng thời thảo luận những điểm sáng, cách làm mới, chia sẻ kinh nghiệm thành công giữa các địa phương có chất lượng điều hành tốt để các tỉnh tiếp tục nâng cao, cải thiện chất lượng điều hành trong thời gian tới. Hội thảo với sự chủ trì của Lãnh đạo VCCI và tỉnh Vĩnh Long, cũng như tham dự của hơn 200 đại biểu là các sở ngành, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp khu vực ĐBSCL.
Mở đầu hội thảo, Ông Võ Tấn Thành – Phó Chủ tịch VCCI cho rằng trong cải thiện môi trường kinh doanh, vùng ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực đáng kể qua các năm và có nhiều địa phương nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế dẫn đầu của cả nước. Điểm số PCI của ĐBSCL đã có cải thiện rõ rệt qua các năm, trong đó có 5 trong số 13 tỉnh thường xuyên nằm trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước bao gồm Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An và thành phố Cần Thơ.
Điểm chỉ số thành phần của các tỉnh, thành trong vùng cũng có sự cải thiện đồng đều hơn. Điểm số PCI trung vị của vùng vẫn duy trì được xu hướng tăng bền vững qua các năm. Cụ thể, giai đoạn 2015 – 2019 điểm PCI trung vị đã tăng 10%, tương đương với 5,95 điểm, từ 59 điểm năm 2015 lên 64,99 điểm ở năm 2019. Điều này cho thấy, ĐBSCL được đánh giá có năng lực điều hành ổn định, bền vững, kết hợp cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, hướng đến mục đích trở thành vùng kinh tế năng động, hiện đại đóng góp lớn vào nền kinh tế của đất nước.
Ông Võ Tân Thành - Phó chủ tich VCCI phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VCCI Cần Thơ
Tại hội thảo, Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI tại Cần Thơ đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền địa phương các tỉnh, thành ĐBSCL khi nhiều địa phương nằm trong nhóm các tỉnh/ thành phố dẫn đầu của cả nước. Điểm số PCI trung vị của vùng vẫn duy trì được xu hướng tăng dần qua các năm, cụ thể, trong giai đoạn 2015 – 2019, điểm PCI trung vị đã tăng 10%, tương đương với 5,95 điểm, từ 59,04 điểm năm 2015 lên 64,99 điểm ở năm 2019. Trong khi xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các tỉnh, thành của cả nước đang dần thu hẹp lại khoảng cách thì các tỉnh ĐBSCL lại có xu hướng hội tụ trong hai năm 2016-2017 và có xu hướng giãn ra khoảng cách trong điều hành kinh tế từ năm 2017-2019.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI tại Cần Thơ trình bày tại hội thảo
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI cho rằng, các tỉnh khu vực ĐBSCL cần tập trung cải thiện một số khía cạnh để cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới như: Cải thiện chí phí gia nhập thị trường, đặc biệt là các chi phí hậu đăng ký kinh doanh; giảm bớt gánh nặng thanh ra, kiểm tra doanh nghiệp. Ngoài ra, các tỉnh trong vùng cũng cần chú trọng khuyến khích phát triển thị trường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế VCCI trình bày tại hội thảo. Ảnh VCCI Cần Thơ
Về phía tỉnh Vĩnh Long, Ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng chỉ số PCI do VCCI công bố hàng năm được các tỉnh đặc biệt quan tâm và xem đây là thước đo quan trọng, đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, nỗ lực cải cách hành chính, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các địa phương.
Riêng tỉnh Vĩnh Long, qua kết quả PCI trong những năm qua, gần nhất là năm 2019, có thể thấy hầu hết các chỉ số thành phần đều có bước nhảy vượt bật về điểm số và thứ hạng. Lần đầu tiên trong 5 năm qua, Vĩnh Long đạt tổng điểm trên 70 điểm và có 9/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2018, trong đó có những chỉ số thành phần rất cao như: Tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, chi phí thời gian...
Ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long phát biểu tại hội thảo. Ành: VCCI Cần Thơ
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhận định, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sử dụng dữ liệu PCI như một nguồn thông tin có giá trị khi xem xét ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư. Do đó, hội thảo là cơ hội tốt để các tỉnh khu vực ĐBSCL tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, đồng thời nhận diện và khắc phục những tồn tại hạn chế trong việc cải thiện PCI để có giải pháp điều chỉnh phù hợp trong chiến lược phát triển của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp, thu hút tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ông tin rằng từ kết quả hội nghị, ĐBSCL sẽ tiếp tục có sự hợp tác, đề ra các giải pháp thiết thực để tạo đột phá nhằm cải thiện mạnh mẽ chỉ số PCI, tiếp tục là một trong những khu vực được đánh giá có chất lượng điều hành tốt của cả nước.
Chương trình hội thảo còn tập trung trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến việc cải thiện chỉ số PCI. Trong phiên tọa đàm cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình thành công của địa phương ĐBSCL như Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, đặc biệt là 02 địa phương trong nhóm các địa phương dẫn đầu như Quảng Ninh và Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng mỗi tỉnh ĐBSCL sẽ có những đặc điểm riêng của mình tuy nhiên thu hút đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng được tỉnh quan tâm nhất từ tạo điều kiện thực thi các chính sách đăng ký hoạt đông nhanh chóng cho đến các hoạt động an ninh trật tự và pháp luật bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, bên cạnh đó tỉnh còn tập trung phát triển, khuyến khích thành lập doanh nghiệp thông qua công tác khởi nghiệp tại tỉnh.
Các chuyên gia tham dự phiên tọa đàm. Ảnh: VCCI Cần Thơ
Bà Vũ Thị Kim Chi - Phó Trưởng ban, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cũng đã chia sẻ mô hình hay mà Quảng Ninh đã thực hiện hiệu quả từ mô hình trung tâm hành chính công và điểm mới của Quảng Ninh là các cán bộ được xét đề bạt phải có thời gian công tác tại trung tâm hành chính công. Ngoài ra, Bà còn cho biết thêm về việc xây dựng bộ chỉ số DDCI là điều không phải dễ dàng, khó khăn về kỹ thuật và trong việc tham gia lấy mẫu trực tiếp, vì vậy đòi hỏi sự am hiểu và đồng lòng ủng hộ của doanh nghiệp, cũng như sự quyết tâm của các cơ quan ban ngành, địa phương.
Ông Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Kinh tế Xã hội tỉnh Bắc Ninh chia sẻ về kinh nghiệm thành công của tỉnh Bắc Ninh đối với mô hình bác sĩ doanh nghiệp và triển khai bộ chỉ số năng lực canh tranh cấp sở ban ngành tỉnh DDCI, từ đó làm cơ sở chuẩn đoán, đo lường những khó khăn vướng mắt của doanh nghiệp nhằm có những kế hoạch hành động thực tế.
Ông Lữ Quang Ngời - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết mỗi tỉnh đều có những cách làm hiệu quả những chia sẽ rất hay và bỗ ích. Vĩnh Long vẫn là một tỉnh vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm, trong năm 2020 tỉnh tiếp tục giữ vững phương chăm giúp đỡ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển là mấu chốt để giữ vững điểm số PCI.
Bà Phạm Thị Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết rất đồng tình với ý kiến của các tỉnh, từ kết quả PCI doanh nghiệp cũng thấy được sự cố gắng của các cơ quan nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, bên cạnh đó bà cho biết phương hướng năm 2020 cần phải thêm chủ đề kết nối nhằm tăng cường sự kết nối cộng đồng doanh nghiệp.
Trong phiên tọa đàm, Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Ban Pháp chế VCCI cho rằng chúng ta cần tập trung vào chất lượng thực thi hiệu quả hương, từ chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh dến hành động của các phòng ban cơ sở thay đổi tư duy từ trạng thái tháo gỡ khó khăn sang tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Vì mới chỉ tháo gỡ khó khăn chưa đủ để doanh nghiệp phát triển vì vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn và hạn chế so với vùng khác./.
Phòng tư vấn và thông tin kinh tế - VCCI Cần Thơ