Tốc độ tăng trưởng GRDP
Ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của vùng ĐBSCL đạt 5,01%, cao hơn mức tăng trưởng của cả nước là 3,32%. Bên cạnh đó, ĐBSCL xếp ở vị trí thứ 4/6 vùng Kinh tế của cả nước trong quý I/2023.
Tốc độ tăng GRDP của các Vùng kinh tế quý I/2023 (%). Nguồn: Tổng cục thống kê
Nổi bật, vùng ĐBSCL có 1 địa phương dẫn đầu tốc độ tăng trưởng của cả nước là Hậu Giang với 12,67%. Xếp thứ 2 trong khu vực là Cà Mau với tốc độ tăng GRDP đạt 9,05% và xếp hạng 5 của cả nước.
Tốc độ tăng GRDP của các tỉnh vùng ĐBSCL quý I/2023 (%). Nguồn: Tổng cục thống kê
Tình hình đăng ký Doanh nghiệp
Trong vùng ĐBSCL, số doanh nghiệp thành lập mới ở 13 tỉnh là 2.538 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 18.891 tỷ đồng, số lao động tăng thêm là 15.194 người. So với cùng kỳ, khu vực giảm 18% về số lượng doanh nghiệp gia nhập và giảm 66% về số vốn đăng ký. So với cả nước, khu vực xếp ở vị trí thứ 4 khi giữ tỷ trọng khoảng gần 7% số doanh nghiệp và 6% vốn đăng ký cho cả nước.
Doanh nghiệp thành lập mới và tổng vốn đăng ký các tỉnh Vùng ĐBSCL quý I/2023. Nguồn: Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh
Tiếp tục dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong vùng ĐBSCL là Cần Thơ với 429 doanh nghiệp, kế đến là Long An với 379 doanh nghiệp, Kiên Giang với 364 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính về số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp thì Long An là tỉnh dẫn đầu với 5.161 tỷ đồng, kế đến là Kiên Giang với 2.798 tỷ đồng, Cần Thơ với 2.541 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, trong quý I/2023 có 60.241 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 71%). Cùng với xu hướng tăng của cả nước, tại khu vực ĐBSCL, số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 4.182 doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Trong quý I/2023 cả nước có 590 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 59% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD.
Xét riêng vùng ĐBSCL, ghi nhận 19 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký là 184 triệu USD, giảm 29% về số dự án và giảm 44% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Trong đó, Long An thu hút 17 dự án với tổng vốn trên 181 triệu USD. Ngoài ra, Tiền Giang và Trà Vinh đều thu hút 1 dự án với tổng vốn đăng ký lần lượt là 2,5 triệu USD và 0,8 triệu USD.
Lũy kế các dự án FDI còn hiệu lực đến 20/3/2023 các tỉnh ĐBSCL. Nguồn: Cục đầu tư nước ngoài
Luỹ kế đến tháng 3/2023, toàn vùng ĐBSCL có 1.894 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 35 tỷ USD, chiếm 5% về số dự án và 8% về vốn đăng ký của cả nước. Long An dẫn đầu trong khu vực khi chiếm đến 69% số dự án và 37% tổng vốn đăng ký. Tuy nhiên, khi xét xề quy mô đầu tư trên dự án thì Bạc Liêu dẫn đầu với quy mô trên 299 triệu USD/dự án.
Kim ngạch xuất và nhập khẩu
Ghi nhận dấu ấn của cả nước khi cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD. Chi tiết hơn, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 79,17 tỷ USD (giảm 11,9%); nhập khẩu đạt 75,1 tỷ USD (giảm 14,7%).
Kim ngạch xuất, nhập khẩu các tỉnh ĐBSCL quý I/2023. Nguồn: Tổng cục hải quan
Xét riêng vùng ĐBSCL, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2023 ước đạt 5.159 Triệu USD, tăng 2,26 lần so với cùng kỳ năm trước (2.282 triệu USD). Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2023 ước đạt 2.734 triệu USD, tăng 2,29 lần so với cùng kỳ năm trước (1.193 triệu USD).
Phòng Tư vấn