Lễ Công bố Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL 2023

Bản tin VCCI Cần Thơ | 20/12/2023 11:24 GMT+7 | Vân Trang

Sáng ngày 12/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh ĐBSCL đã tổ chức Lễ Công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023. Báo cáo được thực hiện bởi VCCI ĐBSCL và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM) với hơn 30 chuyên gia trong nhiều lĩnh vực tham gia thực hiện. 

Công trình nghiên cứu này là kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao tại Nghị quyết 57/NQ-CP năm 2022. Theo đó, Báo cáo được hoàn thành dưới sự chỉ đạo Chủ tịch VCCI - Phạm Tấn Công; chủ trì biên soạn là ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI khu vực ĐBSCL và Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc FSPPM. Tham dự sự kiện gồm có: Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL, hàng trăm chuyên gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tham dự.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, phát biểu khai mạc (Ảnh: VCCI ĐBSCL).

Phát biểu khai mạc, Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhìn nhận vùng ĐBSCL đang được quan tâm đầu tư lớn về hạ tầng để tạo tiền đề cho phát triển dài hạn. Việc được Chính phủ ban hành Quy hoạch tích hợp là điều kiện quan trọng để xây dựng các định hướng chiến lược phát triển của từng địa phương. ÐBSCL cũng là vùng đầu tiên được Chính phủ thành lập Hội đồng Ðiều phối vùng để triển khai các chương trình phát triển theo các nghị quyết của Trung ương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các địa phương đang gặp phải nhiều trở ngại nhất định như chưa kết nối chặt chẽ với Quy hoạch tích hợp vùng, cơ chế quản trị tài nguyên phân mảnh, cơ chế điều phối vùng và giữa các tỉnh thành còn rời rạc.

Theo Ông Phạm Tấn Công, Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm nay đã khẳng định một thông điệp quan trọng: “Thể chế hợp tác vùng rất quan trọng với Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là tiền đề để chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, để doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh thuận lợi, để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất. Cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng là cơ sở và nền tảng quan trọng để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”.  

Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP Việt Nam phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VCCI ĐBSCL)

Phát biểu tại sự kiện, Ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi hợp tác với VCCI trong việc phát triển Báo cáo kinh tế quan trọng này cho vùng ĐBSCL. Ông nhìn nhận AMDER 2023 một lần nữa làm rất tốt việc phân tích xu hướng năng suất ở Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, môi trường kinh doanh, xu hướng tài chính và đầu tư, thị trường nội địa, thương mại quốc gia, xuất nhập khẩu và đặc biệt là thể chế. Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra được những hạn chế và khuyến nghị chính sách cho vùng. 

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh ÐBSCL tóm tắt quá trình thự hiện Báo cáo (Ảnh: VCCI ĐBSCL)

Ðồng chủ biên Báo cáo, Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh ÐBSCL, cho rằng chủ đề Báo cáo mang tính thời cuộc, khi các tỉnh của vùng ÐBSCL đang hoàn thành quy hoạch, rất cần sự liên kết để đáp ứng được mục tiêu quy hoạch chung của cả vùng. Theo Ông, Báo cáo chỉ hướng đến phân tích những vấn đề mang tính cấu trúc, hệ thống để làm cơ sở cho cải cách, thúc đẩy phát triển chung của cả vùng ĐBSCL. Đồng thời, Ban biên soạn lựa chọn mục tiêu là vì sự phát triển chung của cả vùng nên quá trình thực hiện luôn mang tính độc lập, không thiên về lợi ích của một vài tỉnh hay một vài nhóm ngành cụ thể. 

Ông nhìn nhận thể chế hợp tác rất quan trọng đối với sự phát triển của ĐBSCL, nếu cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác, vùng có thể trở thành điểm sáng và đó cũng là ý nghĩa của bức tranh chủ đề của báo cáo năm nay. Ông kỳ vọng, kết quả nghiên cứu từ tâm huyết của các tác giả sẽ trở thành nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho sự phát triển của ĐBSCL.

TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Đại học Fulbright, Trưởng nhóm nghiên cứu (Ảnh: VCCI ĐBSCL)

Trình bày tại hội nghị, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ thể chế, quản trị và liên kết vùng được xác định là nội dung then chốt, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL trong hiện tại và tương lai. Liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP. HCM, mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh đó, một thể chế tốt và cơ chế quản trị hiệu quả sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận diện các cơ hội để phát triển kinh doanh, đầu tư.

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra 6 nhóm nguyên nhân liên quan gồm: Điều kiện tự nhiên, công nghệ, vốn nhân lực, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư - kinh doanh, cơ chế quản trị - hợp tác - liên kết vùng. Cuối cùng, Ông đề ra 5 nhóm khuyến nghị để khắc phục các nút thắt cho vùng ĐBSCL. Đây là những cơ sở khoa học để các ngành, địa phương chủ động trong hoạch định chính sách và khai thác, phát huy tốt các lợi thế của vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, Lễ công bố còn đón nhận nhiều đánh giá tích cực từ các tổ chức quốc tế đối với Báo cáo kinh tế thường niên vùng ĐBSCL năm 2023.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Long An đánh giá, Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL là tài liệu hữu ích giúp cho lãnh đạo các địa phương có được cái nhìn toàn diện nhất về kinh tế -xã hội của vùng, từ đó điều hành hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với mối quan hệ tổng thể với vùng. 

Trong khi đó, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhìn nhận bản báo cáo với những phân tích toàn diện và thức thời, là tư liệu quan trọng giúp hiểu hơn về động lực kinh tế của ĐBSCL. Ông cũng đánh giá cao cách tiếp cận dựa trên dữ liệu của báo cáo và cách trình bày thông tin. Việc bao gồm các số liệu gốc tăng thêm độ tin cậy cho báo cáo.

Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL 2023 sẽ khó được hoàn thiện nếu như không có sự ủng hộ về nguồn lực của các cơ quan, doanh nghiệp đã đóng góp để xây dựng Báo cáo. Chúng tôi ghi nhận những đóng góp to lớn của  Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau tham gia là đối tác toàn diện; Công ty Cổ phần BambuUP với vai trò đồng hành; Tổng
công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí và Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ đã đóng góp, và sự ủng hộ của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, Long An, Cà Mau, Bến Tre, Hậu Giang để Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2023 được hoàn thiện một cách tốt đẹp. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu xin ghi nhận và trân trọng cám ơn các cá nhân ẩn danh, vì sự phát triển của ĐBSCL đã sẵn sàng đóng góp nguồn lực để nhóm nghiên cứu thực hiện trong năm 2023 và tiếp tục trong những năm tiếp theo.

Phòng Tư vấn