GIỚI THIỆU CHUNG VỀ VCCI VÀ VCCI CẦN THƠ:
GIỚI THIỆU CHUNG:
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học – công nghệ giữa Việt Nam với các nước trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi.
1.1. Lịch sử Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trước kia có tên là Phòng Thương mại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được thành lập năm 1963, nhằm xúc tiến quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Đến năm 1982, VCCI đổi tên thành Phòng Thương mại và Công nghiệp của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
1.2. Chức năng và nhiệm vụ:
Theo “Điều lệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ IV thông qua ngày 27 tháng 4 năm 2003 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 123/2003/TTg ngày 12 tháng 6 năm 2003. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có những chức năng và nhiệm vụ sau đây:
Chức năng:
1. Đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động ở Việt Nam trong các quan hệ trong nước và quốc tế.
2. Thúc đẩy sự pháp triển doanh nghiệp, doanh nhân, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học – công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của các doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài.
Nhiệm vụ:
1. Tập hợp, nghiên cứu ý kiến của các doanh nghiệp để phản ánh, kiến nghị và tham gia cho Nhà nước các vấn đề về pháp luật, chính sách kinh tế - xã hội nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
2. Tham gia xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, tham dự các hội nghị,các đoàn đàm phán về kinh tế và thương mại phù hợp với qui định của Nhà nước.
3. Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với các cơ quan nhà nước, với đại diện người lao động và với các tổ chức hữu quan khác ở trong và ngoài nước để trao đổi thông tin và ý kiến về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.
4. Tiến hành những hoạt động cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp và người sử dụng lao động trong các quan hệ kinh doanh trong nước và quốc tế.
5. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hoá kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động thuận hòa, bảo vệ môi trường và tham gia các hoạt động xã hội phù hợp với mục tiêu của Phòng.
6. Tập hợp và liên kết với các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, hợp tác với các Phòng Thương mại và Công nghiệp, các tổ chức hữu quan ở nước ngoài, tham gia các tổ chức khu vực và quốc tế phù hợp với mục đích của Phòng và giúp đỡ các doanh nghiệp tham gia hoạt động trong các tổ chức đó.
7. Tiến hành các hoạt động xây dựng, quảng bá và nâng cao uy tín doanh nghiệp, doanh nhân, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam; thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh; hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển quan hệ kinh doanh đầu tư ở trong và ngoài nước thông qua các biện pháp như: chắp nối và giới thiệu bạn hàng, cung cấp thông tin, hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, khảo sát thị trường, hội thảo, hội nghị, hội chợ, triễn lãm, quảng cáo và các hoạt động xúc tiến khác.
8. Tổ chức đào tạo bằng những hình thức thích hợp để phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nhân nâng cao kiến thức, năng lực quản lý và kinh doanh.
9. Giúp đăng ký và bảo hộ quyền sỡ hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam và ở nước ngoài.
10. Cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam và chứng thực các chứng từ cần thiết khác trong kinh doanh; xác nhận các trường hợp bất khả kháng.
11. Giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước giải quyết bất đồng, tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải hoặc trọng tài; phân bổ tổn thất chung khi có yêu cầu.
12. Thực hiện nhưng công việc khác mà Nhà nước Việt Nam hoặc các tổ chức khác ủy thác.
1.3. Quan hệ giữa VCCI và các cơ quan chính quyền:
Trích Quyết định số 310/TTg ngày 29 tháng 6 năm 1993 của Thủ tướng Chính phủ về quan hệ công tác của các cơ quan chính quyền với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc chính phủ (gọi chung là các cơ quan chính phủ) có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ VCCI thực hiện chức năng và nhiệm vụ quy định trong điều lệ của VCCI đã được Thủ tướng chính phủ chuẩn y tại Quyết định 203-Ttg ngày 27/4/1993.
- VCCI có trách nhiệm tham gia ý kiến với các cơ quan chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách kinh tế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
- VCCI có trách nhiệm tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để báo cáo với Thủ tướng chính phủ; tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa đại diện các nhà doanh nghiệp với các cơ quan chính phủ để trao đổi các vấn đề liên quan đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
- Chủ tịch VCCI được mời dự các cuộc họp của Chính phủ bàn về các vấn đề liên quan.
- Khi cần thiết, Thủ tướng chính phủ có thể ủy quyền hoặc thông qua VCCI để thực hiên một số nhiệm vụ của Chính phủ trong việc phát triển quan hệ kinh tế, thương mại với các tổ chức phi chính phủ ở các nước có và chưa có quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
- Bộ Thương mại, ủy ban kế hoạch nhà nước, ủy ban nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, Bộ ngoại giao có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với VCCI trong việc tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư.
- Các cơ quan chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cung cấp cho VCCI các văn bản pháp quy và các thông tin khác cần thiết cho việc thực hiện chức năng niệm vụ của VCCI.
- VCCI được đặt chi nhánh, cơ quan đại diện trong nước & nước ngoài; được thiết lập, phát triển quan hệ với các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội, các tổ chức khác của các nước và các tổ chức quốc tế phù hợp với mục đích hoạt đông của VCCI.
- VCCI được quyết định mời các nhà kinh doanh, đầu tư, nghiên cứu nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo quy chế hiện hành của Chính phủ.
VCCI có trụ sở chính đặt tại Hà Nội. Các chi nhánh và Văn phòng đại diện của VCCI bao gồm:
- Tên tiếng Việt: Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ
- Tên tiếng Anh: Vietnam Chamber of Commerce and Industry branch in Can Tho
- Tên giao dịch: VCCI Cần Thơ
- Trụ sở: Số 12 đại lộ Hòa Bình, P. An Cư, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Toà nhà trên được sử dụng cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp Đồng Bằng Sông Cửu Long xúc tiến thương mại và đầu tư. Tại đây thường xuyên diễn ra các cuộc họp, hội nghị, hội thảo ở cấp khu vực, quốc gia và quốc tế, là điểm hẹn của doanh nghiệp cả vùng, là nơi giới thiệu trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp các tỉnh. Đồng thời đây cũng là nơi đào tạo, cung cấp những kiến thức quản trị hiện đại, mang tính ứng dụng cao trong quá trình điều hành doanh nghiệp.
- Điện thoại: 0710 3824 918; Fax: 07103 824 169
- Website: www.vccimekong.com.vn
- Ngày thành lập: 27/02/1992
- Địa bàn hoạt động: 13 tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long
- Nhân sự: 40 CBNV
- Doanh nghiệp hội viên: 2.452 hội viên (tính đến ngày 28/02/2015 )
- Ngoài ra VCCI Cần Thơ còn có Văn phòng đại diện tại Tiền Giang trực thuộc Chi nhánh quản lý.
2.1. Chức năng:
- Đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động tại ĐBSCL trong các quan hệ trong nước và quốc tế.
- Thúc đẩy sự pháp triển doanh nghiệp, doanh nhân, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học - công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của các doanh nghiệp ĐBSCL với doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Nhiệm vụ:
- Cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho các tỉnh thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu về kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về phát triển kinh tế địa phương.
- Đại diện giới sử dụng lao động Việt Nam nhằm duy trì mối quan hệ hài hòa trong doanh nghiệp.
- Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch trong vùng ĐBSCL, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp trong tìm kiếm cơ hội kinh doanh, bán hàng, mua hàng, tìm kiếm đối tác đầu tư với thị trường trong và ngoài nước bằng cách tổ chức các diễn đàn, đối thoại công tư, các hội thảo chuyên đề.
- Cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
- Giải quyết bất đồng, tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải hoặc trọng tài thông qua Trung tâm trọng tài Quốc tế.
- Tư vấn đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam và nước ngoài; chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, dự án đầu tư phát triển thị trường, sản phẩm.
- Đào tạo nguồn nhân lực cho cộng đồng doanh nghiệp về quản lý, tài chính, kế toán, khoa học công nghệ chuyên ngành, và các chuyên đề khác theo yêu cầu của doanh nghiệp.
- Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh (BDS) như cung cấp thông tin doanh nghiệp, số liệu thống kê kinh tế vùng ĐBSCL, thông tin khoa học công nghệ và môi trường thông qua các ấn phẩm; nghiên cứu thị trường; cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin như thiết kế website, phần mềm quản lý, kế toán, quản trị mạng, quản trị website;…
2.2. Sơ đồ tổ chức:
3.1. Công tác cải thiện môi trường kinh doanh:
- Hỗ trợ địa phương nâng cao chỉ số PCI thông qua các hoạt động tổ chức hội thảo, tư vấn khảo sát và đào tạo nhân lực.
- Tư vấn pháp luật, cung cấp văn bản mới, chương tình đối ngoại PPP,…
- Thực hiện khảo sát thủ tục hành chính, thủ tục thuế và hải quan, tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến doanh nghiệp để kiến nghị chính sách, tuyên truyền và phỏ biến pháp luật.
3.2. Công tác xác nhận xuất xứ hàng hóa(C/O) Việt Nam và xác nhận chứng từ:
- Tư vấn cấp C/O cho doanh nghiệp qua các hình thức: Bưu điện, điện thoại và email .
- Trả lời kịp thời và chính xác các thư khiếu nại của Hải quan các nước liên quan đến các lô hàng xuất khẩu do VCCI Cần Thơ cấp cho doanh nghiệp.
3.3. Các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư và hội nhập kinh tế quốc tế:
- Tổ chức các hoạt động hội thảo, lớp học, khảo sát… nằm trong khuôn khổ diễn đàn Việt Nam với các nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông - Châu Phi, Ả rập Xê út, Ấn Độ, Hàn Quốc…
- Tổ chức các đoàn doanh nghiệp ĐBSCL tham gia các hội chợ, triển lãm và khảo sát thị trường Côn Minh (tỉnh Vân Nam), Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây) - Trung Quốc; Thái Lan, Đài Loan, Campuchia…
- Làm việc với Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự các nước.
- Ráp mối thương mại cho doanh nghiệp Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Đan Mạch, Đức…
- Phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức hội thảo cung cấp những thông tin về WTO và cơ hội phát triển kinh tế ĐBSCL sau Diễn đàn kinh tế APEC và hậu WTO.
- Kêu gọi đầu tư thông qua những hoạt động độc lập và phối hợp cùng các trung tâm xúc tiến địa phương.
3.4. Liên kết vùng:
- Thành lập Câu lạc bộ các Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Đầu tư - Du lịch các tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Mekong PC).
- Thành lập hiệp hội du lịch ĐBSCL.
- Thành lập Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp khu vực Đồng bằng Sông Cửu long.
- Tổ chức hội thảo về xuất khẩu lúa gạo, thủy sản và các chuyên ngành khác.
- Tổ chức Diễn đàn đầu tư ĐBSCL liên tục từ năm 2003.- Thành lập Câu lạc bộ Sản phẩm đặc trưng Đồng bằng sông Cửu Long.
3.5. Đào tào bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp:
- Tổ chức các lớp học kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ cho doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long như lớp CCO, CEO, CFO,…
- Thành lập các CLB chuyên môn cho doanh nghiệp như CLB Kế toán.
- Tổ chức các chương trình đào tạo chuyên biệt theo yêu cầu của doanh nghiệp (đào tạo In house).
3.6. Tổ chức giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu khu vực ĐBSCL:
- Giải thưởng Doanh nhân tiêu biểu khu vực ĐBSCL.
- Giải thưởng Sản phẩm đặc trưng ĐBSCL
3.7. Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa:
- Thực hiện đào tạo khởi nghiệp, đặc biệt chú trọng đào tạo giảng viên nguồn để triển khai tại các địa phương.
- Thực hiện các chương trình đào tạo khởi nghiệp cho những người có ý tưởng kinh doanh, nhằm khuyến khích thành lập doanh nghiệp trong cộng đồng, sinh viên.
- Phối hợp với các tỉnh đào tạo khởi nghiệp cho khu vực nông thôn, đào tạo cho các cơ sở mới khởi nghiệp về kiến thức kinh doanh, lập KH kinh doanh nhằm hạn chế việc phá sản sớm trong kinh doanh...
- Tư vấn khởi nghiệp.
- Tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp.