Sự thống trị về năng lượng mặt trời của Trung Quốc đặt phương Tây vào thế khó

Xúc tiến | 29/06/2023 23:05 GMT+7 | Nguyễn Lan Thảo

Trung Quốc hiện đang sản xuất 85% thành phần pin quang điện, 88% polysilicon - tấm chuyển quang năng thành điện năng và tới 97% tấm mỏng bảo vệ lõi pin mặt trời.

Ảnh: Financial Times
Ảnh: Financial Times

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chi tiêu toàn cầu cho sản xuất năng lượng mặt trời vào năm 2023 sẽ lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua chi tiêu sản xuất dầu: 380 tỉ USD cho năng lượng mặt trời so với 370 tỉ USD cho dầu mỏ.

Ý nghĩa địa chính trị của việc năng lượng mặt trời thay thế dầu là nguồn năng lượng chính của thế giới là rất lớn. Tại sao Trung Đông lại là đấu trường trung tâm trong “trò chơi vĩ đại” trong thế kỷ qua? Các quốc gia đó đã từng là những nhà cung cấp dầu và khí đốt chính cung cấp năng lượng cho các nền kinh tế thế kỷ 20. Nếu trong thập kỷ tới, các tế bào quang điện thu năng lượng từ mặt trời sẽ thay thế một phần đáng kể nhu cầu về dầu khí, thì ai sẽ là người thiệt hại nhiều nhất? Và thậm chí còn quan trọng hơn: ai sẽ là người hưởng lợi nhiều nhất?

Theo giới chuyên gia, thế giới đang chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, nhiều nhất là năng lượng mặt trời. Trong khi đó, hầu hết pin quang điện hiện là từ Trung Quốc. IEA thống kê nước này chiếm 80% tổng số tấm pin mặt trời được sản xuất trên toàn cầu. Nếu xét trên chuỗi cung ứng, sức ảnh hưởng của đất nước tỉ dân còn rõ rệt hơn: sản xuất 85% thành phần pin quang điện, 88% polysilicon - tấm chuyển quang năng thành điện năng và tới 97% tấm mỏng bảo vệ lõi pin mặt trời.

Sự vươn lên thống trị về năng lượng mặt trời của Trung Quốc diễn ra rất nhanh chóng. Năm 2005, người châu Âu dẫn đầu cuộc đua này, với Đức chiếm 1/5 sản lượng năng lượng mặt trời toàn cầu. Đến năm 2010, trong khi châu Âu lắp đặt 8 trong số 10 tấm pin mặt trời trên thế giới, thì họ chỉ sản xuất được một tấm. Năm nay, Trung Quốc chiếm 8 trong số 10 tấm pin mặt trời được sản xuất trên toàn thế giới và bổ sung 5 tấm trong số đó vào lưới điện của mình. Chỉ riêng trong năm 2023, Trung Quốc sẽ lắp đặt nhiều công suất năng lượng mặt trời mới hơn Mỹ, trong khi đất nước cờ hoa đã mua những tấm pin đầu tiên vào đầu những năm 1970.

Các yếu tố thúc đẩy sự thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực này cũng chính là những yếu tố đã biến nước này thành công xưởng sản xuất không thể kiểm chứng của thế giới. Chúng bao gồm vốn chi phí thấp, phê duyệt quy định nhanh chóng, bảo vệ khỏi sự cạnh tranh nước ngoài, mạng lưới nhà cung cấp đa dạng và nhu cầu trong nước tăng nhanh.

Cả Hoa Kỳ và Châu Âu đã cam kết cắt giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức 0 vào năm 2050. Để đạt được những mục tiêu này, phần lớn lượng giảm phát thải này sẽ phải đến từ việc chuyển đổi từ hydrocacbon sang năng lượng mặt trời.

Tháng 9 năm ngoái, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã xác định công nghệ xanh là một trong những con bài quan trọng bên cạnh chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo - những lĩnh vực mà Hoa Kỳ đang áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hàng chục công ty Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đã phải chịu thuế quan của Mỹ và EU do bán phá giá các tấm pin mặt trời trên thị trường quốc tế kể từ năm những 2012 và 2013. Tuy nhiên, những tác động đối với thị phần toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đã dần hạn chế.

Theo Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act) đã được Tổng thống Joe Biden ký tháng 8 năm ngoái, Mỹ sẽ tài trợ 369 tỷ cho năng lượng xanh trong 10 năm tới, trong đó cung cấp khoản trợ cấp 100 tỷ USD cho các nhà sản xuất tấm pin mặt trời và thêm 100 tỷ USD khác cho ưu đãi thuế. Châu Âu cũng đang có xu thế chi nhiều tiền hơn cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, phần lớn trong đó là cho điện mặt trời. Tuy vậy, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời châu Âu hiện bị phụ thuộc do nhập khẩu hầu hết sản phẩm từ Trung Quốc.

Khi cuộc chiến công nghệ nóng lên, Trung Quốc hiện đang chứng minh rằng mình có thể sòng phẳng với Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã cấm mua chip bộ nhớ từ Micron, một trong những nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ, và trì hoãn đợt chào bán lần đầu ra công chúng của công ty thiết kế chip Arm của Anh. Bộ thương mại Trung Quốc cũng đã thông báo họ đang xem xét các hạn chế đối với việc xuất khẩu công nghệ để sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời cực lớn.

Mặc dù thật khó để chấp nhận, nhưng sự thật phũ phàng năng lượng mặt trời, cũng như trong các công nghệ xanh khác bao gồm cả xe điện, tương lai xanh của phương Tây sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc. Bị phụ thuộc vào một quốc gia mà EU đã tuyên bố là một “thách thức mang tính hệ thống” và Mỹ coi là đối thủ chính của mình, là điều các nước phương Tây đáng lo ngại.

Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc đều sống trên cùng một hành tinh. Việc phát thải sẽ không tác động ở từng quốc gia mà ảnh hưởng trên toàn cầu, đến mức không thể ai sống được trong tương lai. Financial Times nhận định, để đảm bảo cho công dân của mình, các nhà lãnh đạo của các quốc gia này sẽ phải tìm cách hợp tác song song bên cạnh việc cạnh tranh.

Theo VietTimes