Khủng hoảng cát ở ĐBSCL

Xúc tiến | 06/07/2023 20:36 GMT+7 | Nguyễn Lan Thảo

ĐBSCL đang chịu sức ép rất lớn khi nhu cầu cát cho xây dựng bùng nổ chưa từng thấy, trong khi các địa phương đều than thiếu cát trầm trọng, có nơi chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu.

Báo cáo tổng hợp mới đây của Cục khoáng sản (Bộ TN-MT) cho thấy, ĐBSCL hiện có 58 giấy phép khai thác cát san lấp (thời hạn 2020 – 2029) với tổng trữ lượng hơn 67 triệu m³ , tổng công suất khai thác gần 14 triệu /năm. Nhưng chỉ tính các giấy phép trong thời hạn 2023-2026 thì trữ lượng cát còn lại của ĐBSCL là khoảng 26 triệu m³ với công suất khai thác khoảng 12 triệu m³/năm. Trong khi đó, riêng về hạ tầng giao thông, 6 tuyến cao tốc triển khai trong giai đoạn 2022-2025 ở ĐBSCL cần gần 54 triệu m³ cát. Thêm vào đó là khoảng 36 triệu m³ cát cho các dự án giao thông cấp tỉnh đầu tư năm 2023, 2024. Như vậy, dù có khai thác toàn bộ 26 triệu m³ cát còn lại (thời hạn 2023-2026), các địa phương ĐBSCL cũng chỉ đáp ứng được khoảng 29% nhu cầu cát cho hạ tầng giao thông trong 3 năm tới. Chưa tính đến mỗi năm nhu cầu cát cho xây dựng dân dụng, hạ tầng khác ở ĐBSCL và TP.HCM, Đông Nam bộ (khu vực chủ yếu sử dụng cát từ ĐBSCL) cũng lên đến hàng trăm triệu mét khối. Câu hỏi đặt ra là cát ở đâu đáp ứng cho nhu cầu khổng lồ này?

 

Ở Cần Thơ, theo thống kê sơ bộ của Sở TN-MT thì giai đoạn 2021-2025, cần khoảng 34 triệu m³ cát san lấp nhưng tổng trữ lượng cát của cả địa phương này chỉ còn khoảng 6,5 triệu m³, tức chỉ đủ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu. Tương tự Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2023, nhu cầu cát của tỉnh này là gần 7 triệu m³, nhưng các mỏ được cấp phép chỉ đáp ứng là hơn 1,8 triệu m³, tức đạt khoảng 26%.

Ở Đồng Tháp, nếu như năm 2022, UBND tỉnh Đồng Tháp cấp phép khai thác cát sông với công suất khoảng 6 triệu m³/năm thì năm 2023, giảm còn 4 triệu m³. Trong khi đó nhu cầu cát của tỉnh này giai đoạn 2022 – 2025 lên đến khoảng 43 triệu m³. UBND tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn ODA như: đường tỉnh 845, một số dự án phát triển cơ sở hạ tầng… đang thiếu hụt nguồn cát nghiêm trọng, ảnh hưởng tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư.

Riêng tỉnh An Giang, nơi được xem là có nguồn cát dồi dào nhất ở ĐBSCL, theo công suất cấp phép cũng chỉ có khoảng 7,2 triệu m³ /năm. Trong đó có 8 mỏ được cấp phép khai thác công suất gần 2,8 triệu m³ cát/năm và 8 khu vực nạo vét chỉnh trị dòng chảy kết hợp với tận thu nguồn cát có công suất hơn 4,3 triệu m³ cát/năm.

 

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí thông tin, tỉnh đã có kế hoạch nâng công suất khai thác của một số mỏ nhưng vẫn đang chờ ý kiến thống nhất của HĐND. Trước hết là để đáp ứng nhu cầu các tuyến giao thông trên địa bàn vào khoảng 10 triệu m³ và hỗ trợ cát cho một số địa phương khác ở ĐBSCL khoảng 2 triệu m³.

Tình trạng thiếu cát trầm trọng cũng đang đe dọa ảnh hưởng đến tiến độ của các tuyến cao tốc ở ĐBSCL. Đặc biệt là tuyến cao tốc Bắc – Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau có tổng nhu cầu cát là 18,5 triệu m³ nhưng mới dự kiến có được 1,1 triệu m³ cát do An Giang cung cấp, còn hơn 17 triệu mét khối chưa biết lấy ở đâu.

Nhìn rộng hơn, dự án Ngân hàng cát của WWF-Việt Nam dự báo rằng “Cơn đói cát” ở ĐBSCL sẽ còn rất dài khi số liệu quan trắc của Uỷ hội sông Mê Kông (MRC) cho biết, lượng cát từ thượng nguồn Mekong bồi đắp cho ĐBSCL chỉ còn khoảng 7 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 6,5 triệu tấn đổ ra biển.

Cán cân bồi đắp và lấy đi ngày càng mất cân đối khi lượng cát khai thác thực tế ở ĐBSCL hằng năm có thể lên đến 40 triệu tấn (tương đương khoảng 33 triệu m³- PV), dẫn tới lượng cát thâm hụt hàng năm ở khu vực này có thể lên tới 39,5 triệu tấn cát. Con số thâm hụt cát sẽ càng lớn khi MRC cảnh báo, tới năm 2040, sẽ chỉ còn chưa tới 0,7 triệu tấn cát từ thượng nguồn Mê Kông bồi đắp cho châu thổ Cửu Long.

Theo Báo Thanh niên