Áp lực tăng trưởng kinh tế cuối năm nay rất lớn, do đó cần tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Trong đó bao gồm nới lỏng thể chế, xúc tiến thương mại...
Vấn đề lâu dài hiện nay là làm sao để doanh nghiệp phục hồi trở lại. Ảnh: Hải Nguyễn
Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023 không đạt được như kỳ vọng. Nguyên nhân là do nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức từ bên ngoài cũng như từ nội tại. Do đó, với mức tăng trưởng 3,72% đạt được trong 6 tháng đầu năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm, áp lực tăng trưởng 6 tháng cuối năm là rất lớn, sẽ có quý phải tăng hơn 10%.
Trong chương trình đối thoại "Kích hoạt động lực tăng trưởng" mới đây, GS.TS Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội - cho biết, tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm còn nhiều thách thức. Việt Nam là nền kinh tế mở phụ thuộc vào xuất nhập khẩu nhưng cho đến nay, xuất khẩu giảm 12% và nhập khẩu giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.
Với đặc điểm là một nước tập trung vào gia công, nhập khẩu giảm đồng nghĩa doanh nghiệp không hoạt động nên không cần nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, thống kê về doanh nghiệp cũng chưa tích cực khi số lượng ra đời ít mà đóng cửa nhiều lên.
Nhìn nhận toàn cảnh thực trạng hiện nay, ông Cường tin rằng động lực tăng trưởng nửa cuối năm sẽ đến từ đầu tư công. Ông nói: "Thúc đẩy đầu tư công để tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế, từ đó lan toả sang hàng loạt ngành nghề, doanh nghiệp khác".
Vị chuyên gia cũng cho rằng vấn đề lâu dài là làm sao để doanh nghiệp phục hồi trở lại. "Ngoài nguyên nhân từ thị trường thế giới, khó khăn còn đến từ chính sách quản lý của chúng ta đang quá chặt chẽ không đúng thời điểm. Những quy định là đúng nhưng trước đây chúng ta buông lỏng, còn giờ vào lúc khó khăn lại siết đồng loạt, từ đó tạo ra cộng hưởng khiến doanh nghiệp càng khốn khó" - ông phân tích.
Qua đó, GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất cần nới rộng thể chế quản lý để giúp doanh nghiệp có thể phục hồi. Xác định điều gì là cần thiết, cấp bách và vạch ra lộ trình rõ ràng.
Ngoài ra, trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới sụt giảm, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - khuyến nghị cần xúc tiến thương mại. Các cơ quan thương vụ, tổ chức liên quan cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.
"Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó chiếm nhiều là doanh nghiệp nhỏ nên khả năng tự khai mở thị trường rất khó. Tôi cho rằng trong cuối năm nay và thời gian tới cần khởi động một chương trình mạnh mẽ để mở mang thị trường, xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng. Thậm chí mở cửa những thị trường mới mà chúng ta chưa tiếp cận" - ông Tuấn Anh cho hay.
Theo Đức Mạnh (Báo Lao Động)