Vào ngày 9/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức hội thảo vùng ĐBSCL tại tỉnh Trà Vinh. Chủ trì hội thảo có sự tham dự của Ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI; Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ, Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, sở ban ngành các tỉnh ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc, Ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI cho biết đây là Hội thảo đầu tiên về chỉ số Xanh (PGI) sau khi VCCI công bố chỉ số xanh ngày 11/4/2023 vừa qua. Vùng ĐBSCL được lựa chọn làm nơi tổ chức Hội thảo này khi phát triển xanh, phát triển bền vững đang là vấn đề đặc biệt quan trọng với vùng này và Trà Vinh cũng là địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số xanh lần đầu tiên.
“Hội thảo này là dịp để các địa phương, các chuyên gia thảo luận về các chủ đề quan trọng, chia sẻ các kinh nghiệm, bài học trong việc phát triển kinh tế, thu hút hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường”, Ông nhận định.
Ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: VCCI Cần Thơ)
Ông Lê Văn Hẳn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Trà Vinh – Địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số Xanh chia sẻ kết quả trên đạt được là nhờ sự phối hợp thực hiện đồng bộ, hài hòa các lợi ích giữa cộng đồng doanh nghiệp và nhà nước, sự phấn đấu hết mình của tập thể lãnh đạo và cán bộ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản đối với công tác bảo vệ môi trường trong thời gian qua. Cùng với việc, đưa ra nhiều kế hoạch triển khai thực hiện, toàn hệ thống chính trị chú trọng công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI chia sẻ: “Tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để phát triển bền vững, đã có nhiều chính sách trung ương rất đúng đắn để phát triển môi trường kinh doanh thuận lợi gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”. Song, vẫn còn nhiều tỉnh gặp khó khăn trong việc triển khai, thực thi do thiếu vắng dữ liệu cần thiết. Đây là động thực thúc đẩy đánh giá chỉ số PGI, để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố nắm bắt kịp thời các vấn đề từ thực tiễn qua phản ánh của các doanh nghiệp.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI phát biểu (Ảnh: VCCI Cần Thơ)
Tại hội thảo, Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ bày tỏ sự trăn trở do vùng ĐBSCL chưa có ngôi sao sáng về môi trường ở thời điểm hiện tại. Mặc dù, có nhiều nỗ lực từ chính quyền địa phương và doanh nghiệp, nhưng công nghệ, năng lực sản xuất còn nhiều mặt hạn chế. Bên cạnh đó, mức độ tiếp cận thông tin và chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL được đánh giá cao về giải pháp phòng ngừa và khắc phục, đây là điểm sáng lớn của khu vực. Đặc biệt là cấp chính quyền, trong việc nỗ lực cùng với các doanh nghiệp để xây dựng môi trường tốt hơn.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: VCCI Cần Thơ)
Ngoài ra, các chuyên gia đã chia sẻ nhiều chủ đề liên quan đến phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Sau đó, các đại biểu được nghe một số ý kiến, chia sẻ từ lãnh đạo, đại diện các địa phương, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra những giải pháp thực hiện hiệu quả 4 chỉ số thành phần trong giai đoạn tới.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An khẳng định, Long An không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, đồng thời ưu tiên các dự án nông nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, công nghệ cao. Tỉnh kiên quyết không đưa vào vận hành các dự án chưa hoàn thiện các thủ tục bảo vệ môi trường. Công tác thanh tra kiểm tra môi trường hàng năm được thực hiện kịp thời, không để tái diễn các trường hợp vi phạm.
Bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết từ năm 2012, tỉnh này đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" gắn chặt với việc thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Hằng năm tỉnh đã chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2016–2020, tỉnh Quảng Ninh đã bố trí kinh phí hơn 36 tỷ đồng để thực hiện 24 nhiệm vụ, đề án nghiên cứu khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường.
Ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh các tỉnh, thành phố tại Việt Nam cần quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường để xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, thúc đẩy nhiều dự án xanh và thân thiện với môi trường hơn. Hi vọng Chỉ số Xanh sẽ mang lại nhiều thông tin cho các cơ quan nhà nước sử dụng trong điều hành, quản lý nhà nước; cho các nhà đầu tư tham khảo trong quyết định đầu tư, mở rộng kinh doanh; là công cụ chính sách để thúc đẩy sự vận hành, chuyển đổi của các địa phương tại Việt Nam.
Phòng Tư vấn