Hiện nay, việc sử dụng năng lượng xanh để sản xuất các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam là điều kiện tiên quyết cho đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đặc biệt, với ngành dệt may, các doanh nghiệp đang rất nỗ lực thực hiện “xanh hóa” để có đơn hàng vào các thị trường lớn.
"Xanh hóa” đã trở thành yêu cầu tất yếu trên thị trường trong nước và nước ngoài. Ảnh: Cường Ngô
Doanh nghiệp nỗ lực “xanh hóa” nhà máy
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho biết, với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp được xem là nhiệm vụ sống còn.
Theo ông, ngày 1.10.2023, Liên minh châu Âu (EU) ra thông báo sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp. Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu.
“Qua khảo sát của HUBA, những doanh nghiệp thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, sản xuất xanh đang có đơn hàng dồi dào. Điều này cho thấy việc “xanh hóa” nhà máy, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là “bảo bối” để doanh nghiệp mở rộng thị phần xuất khẩu, nâng cao năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường nội địa”, ông Hòa nói.
Ở Tổng Công ty May 10, việc chuyển đổi xanh, trong đó có quy trình sử dụng năng lượng tái tạo là điều kiện bắt buộc.
Ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành Tổng Công ty May 10 - cho biết, hiện tại, May 10 đã triển khai đưa vào sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho dự án mới Bỉm Sơn - Thanh Hóa. Sau nhà máy ở Bỉm Sơn, May 10 đang có kế hoạch triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho nhà máy tại Quảng Bình, Thái Bình...
“Các doanh nghiệp dệt may đã tận dụng giải pháp điện mặt trời mái nhà nhằm chủ động một phần nguồn điện sản xuất, giảm chi phí, đồng thời hướng đến mục tiêu xanh hóa”, ông Hà Mạnh nói.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP May Việt Tiến - cho hay, hiện các doanh nghiệp dệt may đang sử dụng điện mặt trời mái nhà theo 3 giải pháp: Doanh nghiệp dệt may tự đầu tư lắp đặt; các công ty cung cấp giải pháp năng lượng sạch thuê mái của doanh nghiệp dệt may, doanh nghiệp dệt may sẽ được mua điện với giá thấp hơn thị trường 20 - 30%; công ty cung cấp giải pháp và doanh nghiệp dệt may cùng hợp tác, đầu tư và chia sẻ lợi ích.
Với vai trò là Chủ tịch May Việt Tiến, doanh nghiệp đã lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà, ông Vũ Đức Giang khẳng định việc các doanh nghiệp dệt may tiếp cận với năng lượng tái tạo đang giúp giảm chi phí sản xuất, tạo ra chứng chỉ xanh cho hàng hóa, nâng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Công nghệ lưu trữ điện phải đồng hành với điện mặt trời
Trao đổi với Lao Động, TS Lê Hải Hưng (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, trong quá trình sử dụng điện mặt trời tại các nhà máy, công nghệ lưu trữ điện năng cần phải đồng hành với loại hình nguồn điện này.
Theo ông, công nghệ lưu trữ điện ra đời cùng với sự xuất hiện của điện mặt trời. Song việc lưu trữ điện bằng ắc quy axit từ những năm 1980 - 2000 đã lỗi thời vì dung lượng nhỏ và tạo ra nhiều chất thải axit và chì ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe của con người.
Để lưu trữ điện cho những nhà máy điện mặt trời công suất lớn, ông Hưng cho rằng, giải pháp hữu hiệu đầu tiên là “thủy điện tích năng”, tức là dùng năng lượng điện mặt trời lúc dư thừa để bơm nước lên những bể chứa lớn ở một độ cao nhất định rồi cho dòng nước chảy xuống một hồ chứa ở vị trí thấp hơn qua một đường ống, làm quay tua bin phát điện vào những giờ cao điểm. Ở Việt Nam, chúng ta đã khởi công xây dựng nhà máy thủy điện tích năng ở Bắc Ái, Ninh Thuận và dự kiến vận hành vào năm 2029.
Ngoài ra, người ta cũng có thể dùng một loạt công nghệ khác như công nghệ hydro (sử dụng điện mặt trời để điện phân hydro làm nhiên liệu), công nghệ muối nóng (lưu trữ năng lượng dưới dạng nhiệt năng của muối nóng), công nghệ lưu trữ năng lượng bằng khí nén, công nghệ bánh đà (lưu trữ năng lượng bằng động năng của các bánh đà khổng lồ)…
“Hiện tại, Nhà nước chưa có chủ trương và chính sách cho việc phát điện lên lưới từ nguồn điện lưu trữ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vướng mắc này chỉ là nhất thời. Với các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII và đặc biệt là các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về Net Zero tại COP 26 và gần đây nhất là COP 28 (12.2023), công nghệ lưu trữ điện năng nhất định được triển khai mạnh mẽ trong một tương lai gần và pin Vanadium nhất định sẽ có tương lai ở Việt Nam”, ông nói.
Theo Cường Ngô (Báo Lao Động)