Vào ngày 20/09, VCCI chi nhánh ĐBSCL phối hợp với Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo khởi động dự án “Thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua việc phát triển báo cáo về xây dựng khả năng phục hồi và phát triển kinh tế cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Với mục đích trao đổi, phân tích nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế ĐBSCL và chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư ở các địa phương trong Vùng. Hội thảo đã ghi nhận được nhiều thông điệp và đây là dữ liệu tham khảo hữu ích cho Báo cáo kinh tế thường niên của vùng ĐBSCL năm 2024.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL phát biểu khai mạc (Ảnh: Chí Quốc, Báo Tuổi trẻ)
Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL cho biết ĐBSCL đang đón nhận cơ hội lớn về đầu tư, bởi Chính phủ đang ưu tiên, nỗ lực và tạo điều kiện cho Vùng phát triển. Từ việc ban hành Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ: Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, tới Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới để phát huy các tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh và bền vững toàn vùng trong tương lai.
Thời gian qua, tổng số vốn Chính phủ đầu tư cho ĐBSCL đã tăng lên đáng kể, giúp khu vực này đầu tư tốt hơn về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, còn lại chưa thấy tín hiệu tích cực nào. Theo đó, tăng trưởng vốn đầu tư giai đoạn 2015-2023 của vùng vẫn thấp nhất cả nước. Nguyên nhân do hai yếu kém đó là dòng vốn FDI giảm và số doanh nghiệp giảm cả về số số lượng và vốn đăng ký. Về vốn đầu tư FDI của ĐBSCL, vốn dĩ ít và yếu trong suốt thời gian qua, đến nay vùng có 2.063 dự án FDI, với tổng số vốn 35,6 tỷ USD, chiếm 7,6% cả nước. Về vốn đầu tư từ tư nhân, các doanh nghiệp thành lập mới ở ĐBSCL không cao so với các vùng miền khác. Do đó, việc bổ sung thêm nguồn vốn, nguồn lực vào xã hội chưa đạt kỳ vọng. Nhìn chung, mấu chốt của sự phát triển là vốn đầu tư và hiện ĐBSCL thiếu vốn đầu tư do hạ tầng chưa được làm tốt.
Ông Nguyễn Phương, Chuyên viên Phòng Tư vấn và Thông tin Kinh tế VCCI ĐBSCL phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: VCCI ĐBSCL)
Tại hội thảo, Ông Nguyễn Phương, Chuyên viên Phòng Tư vấn và Thông tin Kinh tế VCCI ĐBSCL đã đánh giá tổng quan về tình hình thu hút vốn đầu tư của vùng ĐBSCL trong thời gian qua. Theo đó, tăng trưởng tổng vốn đầu tư của ĐBSCL trung bình giai đoạn 2015-2023 thấp nhất cả nước. Về cơ cấu, tổng vốn đầu tư của ĐBSCL (11%) chỉ cao hơn TN và TD&MNPB và phân bổ vốn đầu tư khu vực nhà nước gần như không thay đổi trong 10 năm qua.
Trong giai đoạn 2014-2023, vốn đầu tư nhà nước vào ĐBSCL duy trì quanh mốc 30% so với cơ cấu vốn của vùng. Vốn FDI vào ĐBSCL dù có tăng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng không đáng kể. ĐBSCL không phải là lựa chọn của các nhà đầu tư khi chỉ chiếm trung bình 6%, dù có những năm tăng đột biến nhưng chủ yếu nhờ vào các dự án năng lượng (2019-2021). Vốn của khu vực tư nhân không có sự biến động đáng kể và vẫn duy trì quanh mốc 60%. Nhìn chung, trong tất cả các nguồn vốn, ĐBSCL chưa có sự phát triển đột phá ở khu vực nào. Với xu hướng này, ĐBSCL sẽ khó có thể bắt kịp với các vùng khác.
Tại Hội thảo, Ông Nguyễn Khánh Tùng , Viện trưởng Viện KTXH Cần Thơ đánh giá vùng ĐBSCL có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Theo Ông, khu vực đang rất cần việc đa dạng nguồn vốn để tạo động lực phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ và các địa phương đã được tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng cho ĐBSCL nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách và vốn FDI còn nhiều hạn chế. Từ phân tích trên cho thấy, ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nếu tiếp tục thiếu hụt nguồn vốn đầu tư và năng lực khai thác.
Phát biểu tham luận, Ông Trần Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Long An đã chia sẻ cách làm của tỉnh để có nhiều dự án đầu tư và gợi mở giải pháp thu hút đầu tư cho Vùng. Ngoài việc đa dạng các hoạt động xúc tiến đầu tư, việc chăm sóc khách hàng là nhà đầu tư tại chỗ rất quan trọng. Ngoài ra, việc địa phương đầu tư hạ tầng kết nối với hạ tầng quốc gia mới chỉ là điều kiện cần. Việc xúc tiến đầu tư hiệu quả, luôn đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo niềm tin cho doanh nghiệp mới là điều quan trọng.
Cũng trong phần thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu được lắng nghe thêm góc nhìn của địa phương có sự chuyển mình rõ nét trong thời gian qua là tỉnh Hậu Giang. Ông Võ Công Khanh, Phó Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Hậu Giang nhìn nhận có 3 khó khăn lớn của việc thu hút đầu tư. Về nguồn nhân lực, cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Về hạ tầng giao thông, cần chú trọng đầu tư quy hoạch và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, mở rộng liên kết với các vùng lân cận. Về nguồn vốn, cần nhìn nhận những nút thắt hiện nay trong thu hút nguồn vốn FDI và Chính phủ của vùng ĐBSCL. Ông cũng đánh giá Chỉ số PCI và PGI là công cụ tham khảo hữu ích và tạo ra góc nhìn tốt cho các nhà đầu tư trong quá trình ra quyết định đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Khoa Kinh tế Chính trị, Học viện Chính trị Khu vực IV, trên cơ sở khung lý thuyết về thu hút đầu tư (mô hình 4 môi trường PEST) và nhận diện vùng ĐBSCL chiếm ¾ môi trường. Về Chính trị, đây là lợi thế bởi Đảng và Nhà nước đang có sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của vùng ĐBSCL. Phải kể đến Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ và gần đây nhất là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị. Về kinh tế, ĐBSCL nói chung và các tỉnh trong khu vực nói riêng, muốn tăng sức hút, cần gia tăng các dịch vụ y tế, cơ sở sản xuất và các dịch vụ hỗ trợ. Về văn hóa xã hội, việc không gắn kết được với phát triển kinh tế sẽ cho sự phát triển của vùng thiếu bền vững, không tạo được sức hút cho các nhà đầu tư.
Phát biểu kết luận, Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL ghi nhận được nhiều ý kiến, thông điệp giá trị. Thông qua phần tham luận của các đại biểu, nhìn thấy rõ những vấn đề đặt ra cho công tác thu hút nguồn vốn của vùng ĐBSCL. Ông đánh giá vùng ĐBSCL đang đón những cơ hội lớn, được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Mặc dù cơ sở hạ tầng còn hạn chế nhưng hiện các tỉnh trong vùng đã hoàn thành quy hoạch, đây là cơ sở quan trọng cho cho sự phát triển trong thời gian tới. Ông cũng đưa ra một số giải pháp trong ngắn hạn thu hút vốn phát triển cho vùng ĐBSCL.
Tổ Truyền thông VCCI ĐBSCL