Thông cáo báo chí: Hội Thảo đánh giá môi trường kinh doanh ĐBSCL thông qua kết quả PCI 2019


Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng đầu tiên vào năm 2005, nằm trong Dự án Nâng cao Năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thực hiện khảo sát doanh nghiệp trên cả nước để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương. PCI năm 2019 đánh dấu chặng hành trình 15 năm xây dựng và thực hiện sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ số PCI được xem là công cụ trao quyền cho cộng đồng doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân đánh giá về “chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh”, đồng thời là kênh tham khảo quan trọng đối với các nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào tỉnh, thành phố nào ở Việt Nam. Kết quả PCI năm 2019 cho thấy những chuyển biến tích cực về sự thay đổi của môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong suốt 15 năm qua. Đây là thành quả nỗ lực cải cách trong thời gian qua với sự chung tay của nhà nước và khối doanh nghiệp.

Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn được xem là khu vực có sự nỗ lực cải thiện về chất lượng điều hành kinh tế. Điểm số PCI trung bình của ĐBSCL liên tục trong 05 năm trở lại đây (2015-2019) đã có sự cải thiện tốt hơn, PCI trung bình ĐBSCL năm 2019 tăng 7,32 điểm so với năm 2015. Mức tăng điểm số PCI trung bình ĐBSCL có xu hướng tăng cùng chiều với mức tăng điểm số PCI trung bình của cả nước và điểm số PCI trung bình ĐBSCL trong 05 năm qua liên tục cao hơn mức điểm số PCI trung bình cả nước. Điều này cho thấy, các tỉnh ĐBSCL đang thật sự chú trọng đến việc cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, hòa cùng với xu hướng chung của các tỉnh, thành phố trên cả nước trong công tác nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn.

Xu hướng nhóm xếp hạng điều hành kinh tế PCI của 13 tỉnh ĐBSCL trong 05 năm qua cũng có sự cải thiện, giảm dần số lượng tỉnh ở nhóm điều hành kinh tế trung bình, không còn tỉnh nào ở nhóm xếp hạng tương đối thấp và tăng dần số lượng tỉnh ở nhóm điều hành kinh tế khá, tốt và rất tốt. Nếu như vào năm 2015, chỉ có 1 tỉnh của khu vực ĐBSCL đứng ở nhóm điều hành kinh tế rất tốt và tồn tại có 1 tỉnh ở nhóm điều hành kinh tế tương đối thấp, thì đến năm 2019, có 02 tỉnh của khu vực ĐBSCL được xếp vào nhóm điều hành kinh tế rất tốt của cả nước, 05 tỉnh ở nhóm điều hành kinh tế khá, 03 tỉnh ở nhóm trung bình, và không còn tỉnh nào ở nhóm xếp hạng tương đối thấp.

Điểm số PCI trung vị của vùng vẫn duy trì được xu hướng tăng dần qua các năm, cụ thể, trong giai đoạn 2015 – 2019, điểm PCI trung vị đã tăng 10%, tương đương với 5,95 điểm, từ 59,04 điểm năm 2015 lên 64,99 điểm ở năm 2019. Trong khi xu hướng hội tụ điểm số PCI giữa các tỉnh, thành của cả nước đang dần thu hẹp lại khoảng cách thì các tỉnh ĐBSCL lại có xu hướng hội tụ trong hai năm 2016-2017 và có xu hướng giãn ra khoảng cách trong điều hành kinh tế từ năm 2017-2019.

Khoảng cách chênh lệch điểm số PCI giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng của cả nước vào năm 2015 là 19,35 điểm, năm 2016 là 17,01 điểm, đến năm 2019 chênh lệch điểm số giảm chỉ còn 13,45 điểm. Ngược lại, đối với các tỉnh ĐBSCL khoảng cách chênh lệch điểm số PCI giữa tỉnh đứng đầu và tỉnh đứng cuối năm 2015 là 11,99 điểm, năm 2016 là 7,71 điểm, đến năm 2019 tăng lên 8,90 điểm. Một mặt, điều này chỉ ra rằng trong xu hướng chung các tỉnh, thành cả nước nỗ lực cải thiện điểm số PCI, các tỉnh ĐBSCL cũng đã có sự bứt phá cải thiện điểm số PCI, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế từ trung bình lên khá, tốt và rất tốt. Mặt khác, ghi nhận sự cải thiện về điểm số PCI ở các tỉnh còn lại vẫn còn khá chậm và có dấu hiệu chững lại theo thời gian.

05 tỉnh của ĐBSCL liên tục được ghi nhận trong nhóm điều hành kinh tế rất tốt và tốt của cả nước vào năm 2019 là Đồng Tháp, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.

Tỉnh Đồng Tháp ghi nhận liên tục nằm trong nhóm 03 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, năm 2019 tiếp tục nắm giữ vững vị trí thứ 02 của bảng xếp hạng PCI cả nước, tăng 1,91 điểm so với năm 2018. Vĩnh Long là tỉnh có sự cải cách mạnh mẽ về điểm số và thứ hạng PCI, từ vị trí xếp hạng thứ 08 cả nước, xếp hạng nhóm điều hành kinh tế tốt vào năm 2018, vươn lên vị trí xếp hạng thứ 03 cả nước, xếp hạng nhóm điều hành kinh tế rất tốt vào năm 2019.

 Bến Tre và Long An là 02 tỉnh vẫn duy trì nhóm xếp hạng điều hành kinh tế tốt, thế nhưng vị trí xếp hạng trong năm 2019 thấp hơn năm 2018, cụ thể: Bến Tre giảm 03 bậc, Long An giảm 05 bậc. Thành phố Cần Thơ từ nhóm xếp hạng điều hành kinh tế khá vào năm 2017, vươn lên nhóm xếp hạng điều hành kinh tế tốt vào năm 2018 và tiếp tục được duy trì vào năm 2019, mức điểm PCI năm 2019 tăng 5,77 điểm so với năm 2018.

03 tỉnh vẫn duy trì nhóm điều hành kinh tế khá trong hai năm 2018-2019: An Giang, Kiên Giang và Tiền Giang. Tỉnh Hậu Giang và Cà Mau đã rời khỏi nhóm điều hành kinh tế trung bình vươn lên nhóm điều hành kinh tế khá của cả nước vào năm 2019, riêng tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Trà Vinh mặc dù có sự cải thiện về điểm số PCI nhưng vẫn duy trì ở nhóm điều hành kinh tế trung bình.

Kết quả PCI năm 2019 tiếp tục ghi nhận những lợi thế của các tỉnh ĐBSCL như: (i) sự năng động của chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ kịp thời những khó khăn đến doanh nghiệp, (ii) môi trường kinh doanh bình đẳng, các thành phần kinh tế được đối xử công bằng trong quá trình hoạt động kinh doanh, (iii) chi phí thời gian khi giải quyết thủ tục hành chính được cải thiện đáng kể, (iv) việc tiếp cận thông tin, tài liệu chính sách khá thuận lợi và công bằng, (v) tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh ít gặp phải trở ngại, (vi) sự cải thiện chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính và (vii) thiết chế pháp lý được củng cố và an ninh trật tự khá ổn định. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những vấn đề cần cải thiện ở các cấp chính quyền địa phương như: (i) cải thiện chi phí gia nhập thị trường, đặc biệt là chi phí hậu đăng ký kinh doanh, (ii) tiếp tục giảm bớt gánh nặng thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, (iii) cần chú trọng khuyến khích phát triển thị trường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và nhất là (iv) nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm tại các tỉnh ĐBSCL.

Phòng tư vấn và thông tin kinh tế - VCCI Cần Thơ