Sóc Trăng: Hội nghị phân tích chỉ số PCI 2019 và triển khai đánh giá chỉ số DDCI trên địa bàn tỉnh năm 2020

Tin doanh nghiệp | PCI | 26/08/2020 16:15 GMT+7 | Nguyễn Trọng Nguyễn

Sáng ngày 20/08/2020, tỉnh Sóc Trăng thực hiện Hội nghị phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Sóc Trăng năm 2019 (PCI 2019) và triển khai đánh giá chỉ số năng lực điều hành cấp sở, ban ngành và địa phương DDCI năm 2020 do Ông Lâm Văn Mẫn – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Ông Trần Văn Chuyện – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh điều hành Hội nghị.

Hội nghị có phân tích đầy đủ các nội dung PCI năm 2019, kế hoạch cải thiện PCI 2020. Sự kiện nhận được sự tham gia đầy đủ Lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố Sóc Trăng và các doanh nghiệp trên địa bàn. Sở lao động thương binh và xã hội, Sở kế hoạch và đầu tư, Sở tài nguyên và môi trường trình bày chi tiết các hoạt động để thảo luận chung.

PCI tỉnh Sóc Trăng đã có sự cải thiện tích cực trong 03 năm qua 2017-2019 nhưng vẫn còn khiêm tốn so với sự cải thiện của các tỉnh, thành khác. Chỉ số PCI tỉnh Sóc Trăng năm 2019 tăng 2,86 điểm so với năm 2017 (năm 2017: 60,84 điểm và năm 2019: 63,7 điểm) nhưng xét về thứ hạng lại giảm 9 bậc, thuộc nhóm trung bình của cả nước (từ hạng thứ 44/63 tỉnh, thành vào năm 2017 giảm xuống hạng 53/63 tỉnh, thành năm 2019); nguyên nhân do các tỉnh thành khác không ngừng đổi mới trong cải cách như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các giải pháp đối thoại phi chính thức để tiếp cận hiểu về doanh nghiệp như zalo thủ tục hành chánh, cà phê doanh nhân giải quyết kịp thời khó khăn, và giải pháp chính thức khác như đưa tiêu chí đánh giá năng lực phục vụ doanh nghiệp vào công tác đánh giá cán bộ hoàn thành nhiệm vụ.

Những điểm sáng được cải thiện và duy trì trong công tác điều hành kinh tế tỉnh Sóc Trăng bao gồm các chỉ số thành phần như: Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Tính năng động và Thiết chế pháp lý. Doanh nghiệp nhận định hài lòng về vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp được tháo gỡ kịp thời qua Đối thoại doanh nghiệp tăng 18% từ 67% vào năm 2017 tăng lên 85% vào năm 2019. Những điểm cần cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh Sóc Trăng bao gồm các chỉ số thành phần như: Gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động.

Tham gia góp ý xây dựng chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh tỉnh Sóc Trăng, Ông Nguyễn Phương Lam Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI tại Cần Thơ) nhận định tỉnh Sóc Trăng là một trong nhóm các tỉnh có tỷ suất di cư thuần cao nhất vùng ĐBSCL liên tục trong 03 năm 2017 là âm 7,7% và năm 2019 là âm 15%. Sự di cư lao động kéo dài sẽ khiến cho tình trạng lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đối diện khó khăn trong những năm sắp tới. Do vậy, công tác điều hành kinh tế địa phương cần chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thông qua cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cần nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong công tác tổ chức Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, gắn công tác Đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp đi vào thực chất tạo dựng niềm tin cộng đồng doanh nghiệp đến chính quyền địa phương.

Đặc biệt, tại Hội nghị, tỉnh Sóc Trăng thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh đến cấp cơ sở thông qua công bố kế hoạch triển khai Bộ chỉ số năng lực điều hành kinh tế cấp sở ngành và địa phương (DDCI) và sẽ công bố kết quả khảo sát tháng 12 năm 2020. Các Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sẽ được tham gia đánh giá năng lực Sở ban ngành, các huyện, thị của tỉnh Sóc Trăng tại cổng thông tin DDCI Sóc Trăng https://ddci.soctrang.gov.vn/.

Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện đề nghị các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số PCI trong năm 2020; khẩn trương triển khai đánh giá bộ chỉ số DDCI trong năm 2020, khắc phục những tồn tại, yếu kém của các sở, ngành và địa phương trong việc phục vụ doanh nghiệp và người dân; tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời kỳ hậu Covid-19; bố trí cán bộ có trình độ, năng lực làm việc trong môi trường liên quan đến doanh nghiệp…”.

Kỳ vọng sự năng động của lãnh đạo địa phương tỉnh Sóc Trăng, cùng đội ngũ cán bộ công chức thực hiện tốt chỉ đạo để bắt kịp nhu cầu doanh nghiệp cùng vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp địa phương trong chia sẻ khó khăn và hiến kế giải pháp phát triển kinh tế chung sẽ đem lại kết quả tích cực năm 2021.

Bích Ngọc