Hội nghị “Nâng chất lượng đào tạo lao động qua góc nhìn PCI của tỉnh Cà Mau”.

PCI | 10/12/2020 17:05 GMT+7 | Nguyễn Trọng Nguyễn

Ngày 30/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị “Nâng chất lượng đào tạo lao động qua góc nhìn PCI của tỉnh Cà Mau”.

Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Cà Mau nhận định: trong năm qua hoạt động gắn kết giữa cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo lao động và doanh nghiệp chưa thể hiện là cầu nối để các bên gặp nhau cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Do vậy, sự kiện này là nơi gặp gỡ, trao đổi và tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tào lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đặc biệt tạo sự gắn kết giữa cơ quan nhà nước, tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, Bà Nguyễn Minh Thảo, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định về chất lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam chỉ xấp xỉ 20% trong khi Singapore là 61,5%, Malaysia là 62%, Phillipines là 67%. Hạn chế chung về chất lượng lao động ở Việt Nam là thiếu thực hành, chất lượng đào tạo nghề chưa được chú trọng, thiếu kỹ năng mềm và tính kỷ luật lao động.

Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong 03 năm qua đã có sự cải thiện về mặt điểm số (năm 2019 đạt 64,10 điểm, tăng 4,27 điểm so với năm 2017) tăng 06 bậc so với năm 2017, năm 2019 xếp hạng 45/63 tỉnh, thành phố cả nước. Thế nhưng chỉ số thành phần lao động của Cà Mau lại khá thấp, chỉ 5,68 điểm, xếp thứ hạng 11/13 tỉnh ĐBSCL năm 2019.

Về chất lượng giáo dục dạy nghề và giáo dục phổ thông, Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ nhận định: kết quả PCI 2019 cho thấy chỉ có 38% tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục dạy nghề tại tỉnh có chất lượng tốt và tỷ lệ 64% doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông tại tỉnh có chất lượng tốt, hai chỉ tiêu này đều thấp nhất so với các tỉnh ĐBSCL. Do vậy mà doanh nghiệp cần phải tốn nhiều chi phí cho việc đào tạo lao động bên cạnh chi phí tuyển dụng lao động. Doanh nghiệp tỉnh Cà Mau phải chi 5,29% trong tổng chi phí kinh doanh cho tuyển dụng lao động và phải chi 6,56% trong tổng chi phí kinh doanh dành cho đào tạo lao động.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ khẳng định: tốc độ cải thiện chất lượng đào tạo lao động của tỉnh Cà Mau còn chậm hơn so với các tỉnh ĐBSCL. Trong 10 chỉ số thành phần PCI, chỉ số đào tạo lao động luôn giữ trọng số 20% trong suốt 03 năm qua, việc này cho thấy chất lượng đào tạo lao động là vấn đề then chốt đến việc cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh. Mặt khác, vấn đề cần nhìn nhận ở tỉnh Cà Mau là tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh có tỷ suất di cư thuần cao nhất ở ĐBSCL. Do vậy, các đề xuất đặt ra đối với tỉnh Cà Mau cần xây dựng đề án đào tạo theo cấu trúc ngành nghề định hướng kinh tế của tỉnh, xây dựng các chính sách thu hút nguồn nhân lực quay trở lại tỉnh nhà làm việc, cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông và giáo dục dạy nghề gắn liền thực tiễn nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Phương Lam phát biểu tại hội thảo. Ảnh VCCI Cần Thơ

Tại Hội nghị, đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã tập trung trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo lao động như: đẩy mạnh phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, giáo dục văn hóa nghề nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho người lao động, người học nghề.

                                                                             Phòng Tư vấn