Triển khai các Nghị quyết số 01 và số 02 của Chính phủ, các địa phương đã tích cực xây dựng các kế hoạch nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vĩnh Long đối thoại, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp
UBND tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức buổi đối thoại, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã… gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long và các cơ quan quản lý nhà nước để đưa ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời cho doanh nghiệp.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành liên quan đã lắng nghe những khó khăn và kiến nghị của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, liên quan đến các vấn đề về tiếp cận nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, xử lý rác thải công nghiệp, khó khăn trong mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh, các vấn đề về thuế, điều kiện được ưu đãi đầu tư…
Trước các kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương có liên quan giải đáp cụ thể từng kiến nghị.
Đối với vấn đề rác thải công nghiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long Trần Minh Khởi cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện không có nhà máy xử lý rác thải công nghiệp nên đây cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp hoạt động có liên quan với lĩnh vực này.
Trước tình hình rác thải của các công ty gặp khó khăn nêu trên dù quy định là rác thải công nghiệp nhưng là rác hữu cơ dễ xử lý, tỉnh đang làm tiếp bãi chứa rác số 3 để khắc phục tình trạng quá tải ở bãi rác Hòa Phú. Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh xem xét đề nghị Công ty cổ phần công trình công cộng Vĩnh Long, khi đưa vào sử dụng bãi rác này, trước mắt có thể tiếp nhận xử lý rác thải công nghiệp của các công ty trên để có phương án giải quyết tiếp theo.
Đối với điều kiện được ưu đãi đầu tư, ông Phạm Minh Thiện, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long đề nghị các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khi có nhu cầu trao đổi về thông tin hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nên có văn bản trao đổi trực tiếp với Sở để có giải đáp cụ thể nhất.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung đã làm rõ thêm các vấn đề, đồng thời yêu cầu các Sở, ngành, địa phương có liên quan ghi nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp và thực hiện giải quyết đúng thời gian quy định, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long khẳng định, lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe và giải quyết các ý kiến của người dân, doanh nghiệp.
Thời gian qua, tỉnh duy trì việc đối thoại định kỳ hàng quý và tiếp xúc trực tiếp khi doanh nghiệp có vấn đề khó khăn, bức xúc cần giải quyết kịp thời. Trong công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngoài việc tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, chỉ đạo đã có của Trung ương, tỉnh Vĩnh Long cũng có những chính sách ưu đãi đặc thù, nhất là các ngành nghề, lĩnh vực được địa phương ưu tiên đầu tư phát triển.
Ông Lê Quang Trung nhấn mạnh, Vĩnh Long là địa phương vẫn còn nhiều khó khăn so với các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, muốn tỉnh phát triển nhanh trong thời gian tới rất cần sự chung sức của người dân, doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Riêng đối với cán bộ, công chức của tỉnh phải xác định rõ nhiệm vụ là phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp.
Tiền Giang đặt mục tiêu thu hút 80 triệu USD đầu tư
Theo Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Liêm, tỉnh đang xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư với mục tiêu năm 2020 thu hút thêm ít nhất 8 dự án đầu tư mới với tổng vốn dự kiến 80 triệu USD, tăng 60% so với năm 2019.
Ban Quản lý các Khu công nghiệp Tiền Giang phối hợp chặt chẽ cùng các Sở, ban, ngành tham mưu cho tỉnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp làm cơ sở mời gọi nhà đầu tư thứ cấp; thường xuyên phối hợp để giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đang đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đảm bảo công ăn việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn.
Năm 2020, Tiền Giang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện tốt hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2008.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhằm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, doanh nhân có nhu cầu đầu tư; giới thiệu một cách rộng rãi về các chính sách ưu đãi đầu tư, nhóm ngành nghề ưu đãi, địa bàn ưu đãi đầu tư và các dự án đang mời gọi... trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tỉnh còn cung cấp công khai, đầy đủ quy định được các nhà đầu tư quan tâm như pháp luật về đầu tư, đất đai, doanh nghiệp, lao động, môi trường,…
Tiền Giang hiện có 4 khu công nghiệp được cấp quyết định thành lập và đang đi vào hoạt động gồm: Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang và Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp với diện tích trên 1.101 ha. Đến nay, các khu công nghiệp trên đã thu hút được 104 dự án; trong đó, có 73 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 51.705 tỷ đồng, diện tích đất thuê trên 544 ha, tạo việc làm cho trên 90.000 lao động.
Ngoài ra, tại Tiền Giang còn có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động có tổng diện tích trên 108 ha đã thu hút 80 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4.530 tỷ đồng, giải quyết việc làm trên 17.000 lao động.
Trong năm 2019, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn khá thuận lợi. Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm đạt trên 76.770 tỷ đồng, tăng 13,79% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2.663 tỷ đồng, tăng 10,9%./.
Long An nâng cao chất lượng tăng trưởng
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh “Tiếp tục tập trung tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng; huy động mọi nguồn lực triển khai thực hiện đạt hiệu quả 2 Chương trình đột phá và 3 Công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh; tăng cường xã hội hóa trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân…”
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Long An tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, cải cách theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của hội nhập; bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn.
Đồng thời, tỉnh huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng, cơ cấu ngành, nghề hợp lý….
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, các địa phương khẩn trương xây dựng chương trình hành động của đơn vị; triển khai các dự án xây dựng cơ bản, tập trung thu ngân sách ngay từ đầu năm. Đồng thời, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh một cách thực chất, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…, tạo nền tảng vững chắc, khí thế mạnh mẽ cho các năm tiếp theo.
Năm 2019, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Long An tuy không đạt kế hoạch, nhưng vẫn ở mức khá cao (9,41%), bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh (từ 9% đến 9,5%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch rõ nét, đúng hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp. Việc rà soát dự án đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các dự án lớn được chỉ đạo sát sao, thực hiện quyết liệt hơn, có chuyển biến bước đầu./.
Theo Tạp chí Tổ chức Nhà nước