Ngày 1/8, tại thành phố Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 (AMDER 2022). Đây được coi là báo cáo đầy đủ và duy nhất về một vùng kinh tế trên cả nước. Sự kiện có sự tham dự của các chuyên gia kinh tế hàng đầu, Viện, trường, tổ chức quốc tế cùng lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Ngoài ra, buổi lễ còn có sự tham dự của Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ông Nguyễn Thành Phong - Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương.
Báo cáo do nhóm các chuyên gia kinh tế và chính sách hàng đầu Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa VCCI với Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM), trong đó FSPPM chịu trách nhiệm chính về nội dung khoa học. Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2022 với chủ đề "Chuyển đổi mô hình phát triển và Quy hoạch tích hợp" đưa ra thông điệp: ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, cần nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng bền vững.
Mở đầu buổi lễ, Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, báo cáo năm nay đã chỉ ra lần đầu tiên trong 2 thập kỷ qua, vùng ĐBSCL có mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn bình quân cả nước, với mức tăng trưởng vùng giảm sâu, thấp nhất trong lịch sử phát triển của vùng. ĐBSCL đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi, hãy nắm bắt cơ hội, hợp tác để phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Kinh tế khu vực ĐBSCL đang đứng trước thử thách của 3 vòng xoáy: “Vòng xoáy ngân sách” phản ảnh tình trạng thiếu đầu tư trầm trọng ở ĐBSCL; “Vòng xoáy lao động” xuất phát từ tình trạng thiếu cơ hội việc làm. Và “Vòng xoáy cơ cấu kinh tế” là căn nguyên của hai vòng xoáy trên. Trong báo cáo nêu rõ, cần phá vỡ một số mắc xích của các vòng xoáy về kinh tế, xã hội, môi trường thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững...
TS. Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc FSPPM, đồng chủ biên (cùng ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ) đã trình bày tóm tắt nội dung và một số thông điệp chính của báo cáo. Đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá khu vực ĐBSCL chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong năm 2021, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm thì riêng ĐBSCL đã đóng góp 6, khiến tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng đứng thứ hai từ dưới lên, chỉ trên vùng Đông Nam Bộ nơi đại dịch COVID-19 khốc liệt nhất. Hai năm đại dịch giống như "lửa thử vàng" giúp bộc lộ cả điểm mạnh và điểm yếu về kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.
Tuy nhiên, điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp. Xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho cả nước. Tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp trung bình rất cao, gấp đôi khu vực công nghiệp và dịch vụ. Điều này cho thấy ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng chuyển đổi cơ cấu và tăng năng suất. Tuy nhiên, "nghịch lý" tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp cao hơn hẳn so với công nghiệp và dịch vụ cho thấy hạn chế của hai khu vực này.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, có 4 mắt xích quan trọng nhất mà nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần phải đảo ngược. Thứ nhất, là cần thay đổi quan điểm về an ninh lương thực và phải kiên quyết giữ diện tích đất lúa. Thứ hai, là đảo ngược tình trạng đầu tư cho vùng ĐBSCL. Một ưu tiên hàng đầu của ĐBSCL trong 10, thậm chí 20 năm tới là khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, đồng thời kết nối thuận lợi với các thị trường chính, cả trong nước và xuất khẩu thì ĐBSCL mới có sức hút với các nhà đầu tư. Thứ ba, là đảo ngược số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Thu hút thêm các dự án đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ góp phần hạn chế di cư. Tìm cách cải thiện kiến thức, kỹ năng và thái độ của người lao động trong vùng, để chuẩn bị cho nền kinh tế ĐBSCL trong tương lai. Thứ tư, là giải phóng sức sống của khu vực nông nghiệp và tình trạng suy thoái môi trường...
Đặc biệt, trong năm nay, để đối phó biến đổi khí hậu, VCCI Cần Thơ sẽ dành tặng quyển Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long 2022 để kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho Mạng lưới Doanh nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Mạng lưới Doanh nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được thành lập bởi VCCI Cần Thơ và Quỹ Châu Á năm 2021. Mạng lưới với mục đích cung cấp thông tin, tăng cường kỹ năng, kiến thức cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa để giảm thiểu rủi ro, chủ động trong sản xuất.
Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ
Phòng Tư vấn và Thông tin Kinh tế - MS. Hồng Thắm - 0932 777 184
Quý đọc giả có thể tải Báo cáo tóm tắt tại link sau: LINK