GRDP
Tổng sản phẩm GRDP của vùng ĐBSCL năm 2023 ước tính tăng 6,6% so với cùng kỳ, và chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,6% của năm 2022 trong giai đoạn 2020-2023. Trong đó, ước tính khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,5% và khu vực dịch vụ tăng 7,8%.
Về cơ cấu kinh tế vùng năm 2023, ước tính khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 29,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 28,3%; khu vực dịch vụ chiếm 37,6% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 30,7%; 27,2%; 36,8%).
Tốc độ tăng trưởng GRDP vùng ĐBSCL và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 (Nguồn: NGTK và báo cáo KTXH các tỉnh ĐBSCL).
Trong vùng ĐBSCL, ghi nhận kết quả tích cực với mức tăng trưởng GRDP năm 2023 dương ở tất cả các tỉnh, thành phố. Theo đó, Hậu Giang dẫn đầu trong khu vực với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 12,3% và xếp hạng 2/63 của cả nước. Xếp thứ hai về tốc độ tăng GRDP trong khu vực là Trà Vinh với sự vươn lên từ 3,32% năm 2022 lên 8,3% trong năm 2023. Nổi bật, ĐBSCL tiếp tục là 1 trong 2 vùng kinh tế mà tất cả địa phương đều ghi nhận mức tăng trưởng dương, cùng với Tây Nguyên ở cả năm 2022 và 2023.
Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP)
Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp của vùng ĐBSCL năm 2023 ước tăng 6,5% so với năm trước, mặc dù cao hơn mức tăng của cả nước là 3,02% nhưng không duy trì được mức tăng vượt bậc ở năm 2022 (11,8%). Mặc dù vùng ĐBSCL đạt kết quả tốt ở năm 2020 và 2021 với chỉ số IIP tăng mạnh trong năm nhưng không duy trì tốt ở năm 2023.
Chỉ số Sản xuất Công nghiệp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và vùng ĐBSCL năm 2023 (Nguồn: NGTK và báo cáo KTXH các tỉnh ĐBSCL).
Trong vùng, có 3 địa phương ghi nhận giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2023 ở mức âm, tăng 2 địa phương so với năm 2022, nhưng giảm đáng kể so với con số 8 địa phương ở năm 2021. Dẫn đầu trong vùng, Trà Vinh có mức giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp là 14,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,6%. Xếp vị trí thứ hai trong vùng là Kiên Giang với chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 13,3%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 14,22%. Đáng quan tâm, Vĩnh Long tiếp tục ghi nhận chỉ số sản xuất công nghiệp ở mức âm khi đạt -5,8% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước giảm 6,5%.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và vùng ĐBSCL năm 2023 (Nguồn: NGTK và báo cáo KTXH các tỉnh ĐBSCL).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng ĐBSCL năm 2023 ước đạt 1.093,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước (năm 2022 tăng 23%). Trong vùng, Kiên Giang dẫn đầu về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, đạt 137,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Kế đến là Đồng Tháp khi đạt 137,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2021. Xếp thứ 3 trong khu vực là Cần Thơ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 117,4 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.
Thu & Chi ngân sách
Tổng thu và chi ngân sách Nhà nước của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 (Nguồn: NGTK và báo cáo KTXH các tỉnh ĐBSCL).
Tổng thu ngân sách Nhà nước của vùng ĐBSCL năm 2023 ước đạt 121,5 nghìn tỷ đồng và tổng chi ngân sách Nhà nước ước đạt 192,6 nghìn tỷ đồng. Trong vùng, Long An dẫn đầu về cả mức thu và chi ngân sách khi chiếm tỷ trọng lần lượt là 17% và 12%.
Xuất Nhập khẩu
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL năm 2023 ước đạt 35,7 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 24,2 tỷ USD, tăng nhẹ 1% so với năm 2022 và duy trì được xu hướng tăng liên tục của giai đoạn 2019-2022. Về kim ngạch nhập khẩu, ghi nhận ĐBSCL đạt mức 11,3 tỷ USD, giảm 9,3% so với năm trước (năm 2022 tăng 11%). Trong giai đoạn 2019-2023, cán cân thương mại của vùng ĐBSCL có xu hướng tăng tốt sau mức giảm mạnh ở năm 2021. Cụ thể, ở năm 2021 ghi nhận cán cân thương mại của vùng ĐBSCL đạt 7.576 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ. Đến năm 2022, cán cân thương mại của vùng vươn lên đạt mức 11.628 triệu USD, tăng mạnh 53% so với cùng kỳ. Duy trì tốt ở năm 2023, cán cân thương mại vùng đạt 13.042 triệu USD, tăng 12% so với năm 2022 và tăng 40% so với năm 2019.
Kim ngạch Xuất, Nhập khẩu của vùng ĐBSCL và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL năm 2023 (Nguồn: NGTK và báo cáo KTXH các tỉnh ĐBSCL).
Trong vùng ĐBSCL, Long An và Tiền Giang là hai địa phương dẫn đầu khu vực về cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu Long An năm 2023 đạt mức 6.871 triệu USD và 4.326 triệu USD, chiếm tỷ trọng lần lượt là 38% và 28% của khu vực. Kế đến, Tiền Giang ghi nhận mức kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đạt 5.456 triệu USD và 2.685 triệu USD, có tỷ trọng lần lượt là 22% và 24% của vùng ĐBSCL.
Doanh nghiệp
Trong vùng ĐBSCL, số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2023 là 11.381 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký là 99.162 tỷ đồng, tạo ra việc làm cho 72.002 lao động. So với cùng kỳ, ĐBSCL giảm nhẹ 1% về số lượng doanh nghiệp thành lập và giảm trên 46% về số vốn đăng ký. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL xếp thứ 4/6 vùng kinh tế về số doanh nghiệp thành lập mới (chiếm khoảng 7%) và xếp thứ 5 về số vốn đăng ký (chiếm trên 7%).
Tình hình doanh nghiệp thành lập mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2019-2023 (Nguồn: NGTK các tỉnh ĐBSCL và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh)
Dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới của vùng ĐBSCL năm 2023 là Long An với 1.991 doanh nghiệp, kế đến là Cần Thơ với 1.706 doanh nghiệp, Kiên Giang với 1.566 doanh nghiệp. Tính về số vốn đăng ký mới của doanh nghiệp thì Long An là địa phương dẫn đầu với 24.727 tỷ đồng, kế đến là Kiên Giang với 16.581 tỷ đồng, Cần Thơ với 13.245 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ghi nhận 10.514 doanh nghiệp rời khỏi thị trường của vùng ĐBSCL trong năm 2023 (bao gồm: Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, doanh nghiệp giải thể), chiếm 13% tỷ trọng của cả nước và tăng gần 20% số doanh nghiệp so với cùng kỳ. Bình quân một tháng có 876 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong giai đoạn 2019-2023, số doanh nghiệp thực tăng hàng năm của vùng ĐBSCL không duy trì ổn định. Cụ thể, ở năm 2020 ghi nhận số doanh nghiệp tăng thực trong vùng là 4.231 doanh nghiệp, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Đến năm 2021 số doanh nghiệp này giảm hơn 33% xuống còn 2.810 doanh nghiệp. Ở năm 2022, vùng ĐBSCL có sự cải thiện với 3.160 doanh nghiệp thực tăng thêm, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, vùng ĐBSCL sụt giảm mạnh khi chỉ có 191 doanh nghiệp thực tăng thêm, đạt khoảng 6% số doanh nghiệp ở năm 2022.
FDI
Trong năm 2023, vùng ĐBSCL ghi nhận 139 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký trên 741 triệu USD, tăng 56% về số dự án nhưng giảm 21% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Long An dẫn đầu vùng khi thu hút 118 dự án FDI mới với tổng vốn trên 603 triệu USD. Kế đến, Tiền Giang thu hút 6 dự án với tổng vốn đăng ký trên 15 triệu USD.
Tình hình thu hút các dự án FDI của vùng ĐBSCL giai đoạn 2019-2023 (Nguồn: NGTK các tỉnh ĐBSCL và Cục Đầu tư nước ngoài)
Luỹ kế đến cuối năm 2023, toàn vùng ĐBSCL có 1.982 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 35,8 tỷ USD, chiếm 5% số dự án và 7% tổng vốn đăng ký của cả nước, xếp thứ 4/6 vùng kinh tế về cả số dự án và vốn đăng ký. Dẫn đầu trong vùng là Long An khi chiếm hơn 70% số dự án và 38% tổng vốn đăng ký. Tuy nhiên, khi xét về quy mô đầu tư trên dự án thì Bạc Liêu dẫn đầu với quy mô trên 311 triệu USD/dự án.
Phòng Tư vấn